Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

Tiến bộ công nghệ và chuyển hướng đào tạo


SGTT.VN - Ngay cả những nhà khoa học tài năng nhất cũng phải sửng sốt trước những tiến bộ vượt bậc của công nghệ trong hai thập kỷ vừa qua. Đó là những bước tiến dài kinh khủng của nhân loại, vượt xa sức tưởng tượng thông thường.

Bài viết có nhiều ý kiến chủ quan và tìm hiểu nước ngoài chưa hết nhưng đáng để đọc và suy nghĩ hành động

Thậm chí bản thân Bill Gates cùng với Paul Allen vào năm 1975, khi cả hai cùng thành lập công ty phần mềm máy tính MicroSoft, cũng không ngờ những sản phẩm thủy tổ sơ khai của họ đã góp phần đặt nền tảng cho những biến đổi lớn lao, làm thay đổi toàn bộ đời sống xã hội loài người.

 

Giờ đây bất cứ nơi nào cũng có thể kết nối Internet. Bất cứ ở đâu cũng xác định được vị trí qua hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu. Hàng triệu người khắp trên hành tinh đàm đạo trực diện hình qua Skype, Facetime, giao tiếp trực tuyến cùng một lúc với nhau qua mạng xã hội Facebook, Twitter…

Về mặt tri thức, qua các công cụ tìm kiếm như Google hay Yahoo, chỉ cần chạm vào máy tính bảng hay điện thoại di động là chúng ta có ngay được những kiến thức mới nhất, khó nhất, không phải mày mò lật tìm từ các cuốn sách dày cộm hay phải nặn óc tư duy hoặc nhớ lại những điều đã học đã đọc.

Nghĩa là con người hiện nay sở hữu nhiều kiến thức hơn trước đây rất nhiều nhưng lại không phải học thuộc và nhớ nhiều như trước đây. Đây là nhân tố quan trọng làm thay đổi phương thức giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Có thể đặc trưng hóa các thay đổi phương thức giáo dục dưới tác động của tiến bộ công nghệ ở các điểm sau đây:

1. Nếu trước đây do hạn chế về thông tin và công nghệ, quá trình đào tạo đại học thiên về hàn lâm thì nay nhờ tiến bộ công nghệ vượt trội, quá trình đào tạo phát triển theo khuynh hướng đào tạo hàn lâm và đào tạo tác nghiệp.

Đào tạo hàn lâm

Vào các thế kỷ trước, trong điều kiện thiếu thông tin, thiếu phương tện trợ giúp, học sinh cần phải học và phải nhớ mọi thứ. Nếu không như vậy thì không làm việc được. Hơn nữa, để sáng tạo ra cái mới hay để giải quyết các vấn đề hóc búa, người ta phải học và nhớ kỹ căn nguyên và bản chất của đối tượng. Bởi vậy phải dạy tổng hợp rất nhiều thứ và hơn thế nữa phải học thuộc mọi vấn đề. Cách đào tạo này là cách đào tạo hàn lâm. Nó phù hợp cho những người theo nghiệp nghiên cứu sáng chế.

Đào tạo tác nghiệp

Số đông những người tốt nghiệp đại học là để ra làm việc ở các công ty, cơ quan, xí nghiệp, chứ không phải ở trong những viện nghiên cứu. Vì thế khi học, họ không cần đi sâu vào nguyên nhân, bản chất hay quá trình hình thành đối tượng, họ không cần học rộng nhiều môn nhiều ngành.

Những kiến thức rộng đã có công cụ tìm kiếm. Những kiến thức sâu để sáng chế đã có người khác làm. Nhiệm vụ của họ là sử dụng thành thạo và tối đa hiệu quả các công cụ và phương tiện mà tiến bộ công nghệ đưa lại.

Bởi vậy nhiều học sinh phổ thông không học giỏi hay vì lý do gì đó mà không học, không có nghĩa là cổng trường đại học đóng kín đối với họ, rằng họ không thể học đại học. Trên thực tế, hầu hết các em học sinh đều có thể trở thành một cử nhân tác nghiệp khá và giỏi.

Đến như ngành kỹ thuật xây dựng, một chuyên môn rất cần đến các kiến thức toán lý cơ, nhưng do tiến bộ của công nghệ, cũng phải đổi thay cách thức đào tạo. Trước đây để tính toán kết cấu dầm vượt khẩu độ dài, phải cần người giỏi, biết và nhớ các công thức tính toán phức tạp, phải suy nghĩ và tiến hành các tính toán chi tiết kỹ lưỡng, mới có thể đưa ra lời giải. Còn ngày nay thì các phần mềm chuyên dụng đã làm hộ công việc đó một cách dễ dàng. Chỉ cần cho yêu cầu đầu vào, phần mềm sẽ cho kết quả đầu ra với kích thước dầm cũng như bố trí kết cấu sắt thép. Dường như là công việc của một cử nhân tác nghiệp giỏi. Vì thế một loạt các môn không cần thiết phải loại bỏ ngay trong quá trình đạo tạo, không chỉ trong thời gian đại học mà thậm chí là từ phổ thông.

2. Tác động tiếp theo của tiến bộ công nghệ lên phương thức giáo dục là sự chuyên môn hóa toàn diện từ bậc phổ thông.

Ngay từ bậc phổ thông trung học ở các nước tiên tiến, các em học sinh đã được quyền lựa chọn môn học. Nghĩa là sở thích và thiên hướng đã được phát huy rất sớm.

Chẳng hạn ở Úc, từ lớp 9 các em đã có quyền lựa chọn các môn kỹ thuật chuyện dụng như ô tô. Đối với các em chọn chuyên môn này thì các môn hóa, sinh không cần phải học nữa. Đổi lại các em được học rất nhiều về ô tô, kể cả các kỹ thuật độ xe. Rõ ràng các em đã được định hướng và đào tạo nghề nghiệp rất sớm, tạo bàn đạp cho các em cạnh tranh việc làm trong tương lai. Các kiến thức khác không cần thiết cho nghề nghiệp các em, nếu có lúc nào đó cần đến thì đã có các công cụ tìm kiếm hỗ trợ. Tri thức là một thế giới không cùng, không thể học và nhớ hết được. Vậy tại sao lại phải mất thời gian và dành trí não cho những điều đã biết chắc chắn rằng trong suốt cả cuộc đời còn lại của mình người ta không bao giờ dùng đến?

3. Một tác động nữa của tiến bộ công nghệ đến quá trình giáo dục là do khối lượng kiến thức tự học tăng nhanh.

Nếu trước đây, do hạn chế của sách vở và truyền thông, tri thức chủ yếu của học sinh là do thầy giáo truyền thụ, thì nay các tiện ích đa phương tiện là người thầy nghiễm nhiên của lớp trẻ. Vì ham thích mà lớp trẻ đến với tri thức một cách tự nguyện, và có được một khối kiến thức rất phong phú.

Chẳng hạn như nói về Facebook cá nhân. Các em học sinh cấp tiểu học bây giờ đã tự lập Facebook cho mình. Như vậy các em đã biết sử dụng các công cụ tin học, đồ họa và nhiều kỹ năng khác mà trước đây ở bậc cao mới tiếp cận được. Rõ ràng kiến thức mà các em tự tích lũy được rất phong phú và không giản đơn. Vì thế chường trình đào tạo các em phải có những thay đổi lớn, nhất là theo hướng mở tự do tư duy sáng tạo.

4.Tác động tiếp theo của tiến bộ công nghệ lên giáo dục đào tạo nằm ở chính phương tiện cung cấp kiến thức “Giao diện – Chạm”.

Nhờ các giao diện đa phương tiện, con người chỉ cần chạm vào là có được điều cần muốn. Cách thức “Giao diện – Chạm” đang là một trong những cách thức chủ chốt trong giảng dạy và học tập hiện đại. Và nói không quá nếu gọi thời đại hiện nay là thời đại “Giao diện – Chạm”.

Một số điểm tụt hậu của giáo dục Việt Nam

Sự tụt hậu của giáo dục nước ta thể hiện ở các điểm dưới đây:

1. Giáo trình lạc hậu

Nhìn vào các giáo trình giảng dạy các môn học ở bậc đại học nước ta, về cơ bản, là của thập niên 60 -70 thế kỷ trước. Ở một số bộ môn của các trường có cập nhật một số kiến thức mới, nhưng nhìn chung vẫn không theo kịp chương trình của các nước tiên tiến.

2. Phương pháp giảng dạy cũ

Phấn trắng bảng đen và đọc cho viết vẫn là cách giảng dạy phổ dụng hầu hết ở các trường nước ta. Phương pháp này cung cấp được ít thông tin cho học sinh. Ngược lại, các phương tiện trình chiếu, cho bài tập trực tuyến, cung cấp cho học sinh rất nhiều kiến thức và tư liệu tham khảo cũng như ép học sinh phải thực hành nhiều. Để có một bài giảng dạng này, thầy giáo phải đọc rất nhiều và phải chuẩn bị kỹ lưỡng để có nhiều thí dụ minh họa thực hành. Sau khi giảng bài học sinh có ngay được tư liệu để học và thực hành.Thế nhưng hầu như các phương tiện trình chiếu ở các giảng đường có rất ít.

3. Đội ngũ giáo viên tụt hậu

Vào thập niên 60 -70 thế kỷ trước, mặc dù chiến tranh nhưng nhà nước ta đã gửi một số lượng lớn sinh viên và nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài. Nhờ đó đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khá đông đảo và có trình độ. Nhưng đến nay thì đội ngũ đó đã đến tuổi về hưu. Hơn nữa xã hội đương đại có những tiến bộ và đòi hỏi mới mà nhiều người trong lớp giáo viên cũ không cập nhật được kiến thức, không theo kịp thời đại. Còn những học sinh loại ưu tú trong những năm gần đây được học tập ở nước ngoài nhưng lại không chọn nghề sư phạm. Trình độ của cán bộ giảng dạy ở nước ta hiện nay đang bị tụt hậu xa với các nước tiên tiến.

4. Thể thức tuyển chọn lỗi thời

Chúng ta vẫn giữ nguyên cách thi vào đại học của những năm 70 thế kỷ trước. Như đã đề cập ở trên, đó là cách thức kiểm tra kiến thức phiến diện nặng về hàn lâm của thời kỳ thiếu thông tin và kém công nghệ. Cách thi cử này hoàn toàn không phản ánh đúng khả năng của học sinh với mục đích đào tạo nghề nghiệp cho tương lai.


 

Nếu bây giờ chúng ta nghe nói một sinh viên đại học không biết được rằng tổng các góc trong một tam giác bằng 180othì nhiều người sẽ cười chê, thậm chí còn đặt câu hỏi về chất lượng giáo dục phổ thông. Nhưng hãy thử hỏi cái kiến thức tổng các góc trong một tam giác bằng 180 o đó giúp ích gì được trong suốt cuộc đời bạn?

Và nữa, đến bây giờ chúng ta vẫn dạy cho học sinh cách dựng hình bằng thước và compa khi mà học sinh Mỹ đang tìm cách bắn tên lửa lên cao nhất! Chúng ta ra đề thi đại học, bắt học sinh phải nhớ và vận dụng các công thức lượng giác ngoằn nghèo mà cả đời họ không cần đến, và nếu cần thì máy tính bảng sẽ hiển thị ngay trước mắt họ!

Bởi vậy các nước tiên tiến không thi tuyển như ta mà xét tuyển vào đại học. Học sinh phổ thông Mỹ và Úc nếu thi đại học khối A toán lý hóa của ta thì trượt rất nhiều, nhưng đừng vội kết luận rằng học sinh họ dốt. Đơn giản là họ học và không thi giống ta.

Cách xét tuyển của họ đánh giá sát khả năng và thiên hướng cũng như nguyện vọng đam mê của học sinh hơn cách thi cử của ta nhiều lắm. Các đại học hàng đầu như Harvard, Princeton, MIT, Stanford chỉ xét tuyển mà chọn được học sinh rất giỏi đâu cần phải ra các đề thi thật khó.

Cái điểm sàn xét tuyển đại học của nước ta mà những người phải quyết định đang thảo luận là cắt ở bao nhiêu điểm, còn công chúng lại lo sợ rằng nếu hạ thấp sẽ làm giảm chất lượng giáo dục, thì thực ra cái điểm sàn ấy phần nào chăng chỉ cần cho một nhóm các học sinh theo con đường hàn lâm. Cái điểm thi đó không phản ánh đúng khả năng của số đông theo con đường tác nghiệp. Hơn thế nữa nó có thể tạo ra một tác động tiêu cực lên suy nghĩ của học sinh rằng các em không có năng lực để vào đại học.

Các trường tư thục của Mỹ khi xét tuyển họ chú trọng vào tìm hiểu năng lực thực sự của học sinh, những mặt mạnh có thể phát huy và ước vọng của chính học sinh. Biết được các yếu tố này để hướng nghiệp, mở rộng khả năng phát huy sáng tạo trong quá trình giáo dục. Bởi vậy những cử nhân sáng chế của họ thực sự là những người sáng chế, còn những cử nhân tác nghiệp thì đích thực là những người tác nghiệp.

5. Nội dung đào tạo chưa sát thực tế

Không phải nói nhiều vì ai cũng biết sinh viên của chúng ta hiện nay học thừa nhiều môn, trong khi đó lại không được cung cấp đủ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm cần thiết cho việc làm sau tốt nghiệp.

Thí dụ, một cử nhân thiết kế đồ họa cần phải sử dụng điêu luyện các phần mềm thiết kế mà không nhất thiết phải cần biết đến các không gian n chiều hay phải học các triết lý xa vời không thiết thực. Một cử nhân tác nghiệp như vậy sẽ chẳng cần nhiều đến các kiến thức hóa học sinh học và thậm chí các công thức lượng giác của chương trình phổ thông.

Dũng cảm loại bỏ các môn không cần thiết, tập trung đào tạo các kiến thức chuyên môn phục vụ việc làm, cung cấp kịp thời các tiện ích hiện đại và thực tập nhuần nhuyễn thành thạo – đó là cách tiếp cận hợp lý tới nền giáo dục hiện đại.

6. Mô hình đào tạo bất cập

Các mô hình đạo tạo nghề, đào tạo trung cấp, đào tạo cao đẳng hiện nay đều xuất phát từ thập niên 60 của thế kỷ trước, nhưng đến nay vẫn không hề thay đổi. Điều đó giải thích tại sao các trường thuộc diện này rất khó tuyển sinh. Việc kéo dài thời gian đào tạo, học nhiều môn thừa, không học đủ những điều thiết thực cho việc làm, lại nhận được những bằng bị xem “thấp cấp”, là nguyên nhân ngoảnh mặt của học sinh với các mô hình đào tạo này. Cần sáng suốt và dũng cảm để thực hiện một bước cải cách đột phá cho các mô hình đào tạo.

7. Thời gian đào tạo thừa

Như đã đề cập ở trên, học sinh sinh viên hiện nay nhờ tiến bộ công nghệ mà có một lượng kiến thức nhiều hơn học sinh sinh viên cùng lứa tuổi trước đây. Phương thức tiếp thu kiến thức “Giao diện – Chạm” là một ưu thế vượt trội trong học tập, làm việc và nghiên cứu. Thiết bị công nghệ đa phương tiện cho phép con người cùng một lúc có thể xử lý nhiều công việc khác nhau. Vì thế nhịp sống và cường độ làm việc của giai đoạn hiện nay lớn hơn trước đây rất nhiều.

Mặt khác, tính thực tiễn, tính hiệu quả là xu thế áp đảo trong xã hội hiện đại. Mọi hình thức giáo dục đào tạo đều phải song hành cùng thực tiễn. Càng nhiều thực tiễn hiệu quả càng cao.

Bởi vậy đào tạo đại học của các nước tiên tiến đều có xu thế tăng tính thực tiễn của chương trình và cắt giảm thời gian đào tạo. Ở Anh, đào tạo đại học hiện chỉ còn 3 năm. Nếu so sánh sau cùng 4 năm thời gian, cử nhân của nước Anh đã làm việc được 1 một năm và cử nhân của nước ta vừa tốt nghiệp đại học thì sẽ thấy được sự thua thiệt về trình độ chuyên môn.

Vậy nên, đổi mới giáo dục để cắt giảm thời gian đào tạo đại học là một hướng đi thiết thực cần thiết, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh việc làm của người Việt - mang tính sống còn trong thời kỳ tích hợp toàn cầu hiện nay.

Tử huyệt của chất lượng giáo dục Việt Nam

Chất lượng giáo dục Việt Nam đang tụt xa với các nước tiên tiến. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tụt hậu chất lượng giáo dục Việt Nam. Trong số đó, gần đây nhiều người quy lỗi cho việc mở nhiều trường và cấp bằng dễ dãi.

Trên thực tế, số lượng trường đại học của nước ta nếu tính theo đầu người, thì còn thua xa các nước nhóm đầu. Việc không kiểm soát chất lượng giảng dạy và cấp bằng tùy tiện hiển nhiên là làm giảm thấp uy tín của giáo dục Việt Nam. Nhưng tử huyệt chất lượng giáo dục Viêt Nam lại nằm ở điểm khác, đó là:

Chất lượng của các trường đại học hàng đầu của Việt Nam bị xuống cấp nghiêm trọng, không có khả năng cạnh tranh quốc tế, và trên thực tế không thể lọt vào nhóm 200 trường đầu bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới.

Nếu biết rằng Liên Hợp Quốc có 192 thành viên, và dân số Việt Nam xếp thứ 13 trên thế giới, thì mới thấy chúng ta tụt hậu xa đến dường nào.

Tại sao lại nói chất lượng của các trường đại học hàng đầu Việt Nam là tử huyệt của chất lượng giáo dục Việt Nam? Bởi vì, các trường đại học hàng đầu Việt Nam là đại diện cho Việt Nam để sánh vai với đại học các cường quốc năm châu, nhưng hiện nay lại hoàn toàn không có khả năng cạnh tranh quốc tế, và trên thực tế, đang quay lại cạnh tranh với các trường địa phương trong nước. Nếu chúng ta có vài trường nằm trong nhóm 50 trường danh tiếng nhất thế giới, thì dẫu có đến vài trăm trường đại học tỉnh lẻ mở ra, các nước khác, không vì thế mà dám đánh giá thấp trình độ đại học Việt Nam.

Nói cách khác, chất lượng của các trường đại học hàng đầu thể hiện độ cao thước đo chất lượng giáo dục đại học của một quốc gia. Nếu độ cao này mỗi ngày bị thấp đi hay không lớn lên được là phản ánh sự tụt hậu của nền giáo dục.

Nhân sự – Chìa khóa của mọi tiến bộ

Nhiều năm gần đây chúng ta thường viện lỗi cơ chế để biện minh cho mọi thất bại. Cơ chế là do con người sinh ra và chính con người có thể thay đổi cơ chế. Nhưng ai có thể làm được việc đó? Ở đây mới thấy được vai trò cá nhân quan trọng đến dường nào. Để làm được cách mạng vào những thời điểm khó khăn nhất, cần có những cá nhân xuất chúng.

Những năm thập niên 60 và 70 thế kỷ trước, cố bộ trưởng giáo sư Tạ Quang Bửu đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Nền giáo dục Việt Nam phải hàm ơn ông nhiều. Ông có tầm nhìn sáng láng và bản lĩnh lãnh đạo đáng nể. Ông dám quyết định, kiên quyết đấu tranh và thậm chí trực tiếp gặp cả Thủ tướng để phá rào những điều cấm kỵ. Ông nhìn thấy nghiên cứu khoa học là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục, rằng giáo dục không thể tách rời nghiên cứu khoa học. Vì thế ngay cả trong những năm khốc liệt nhất của chiến tranh, ông đã cố gắng liên hệ để mời được những nhà khoa học giỏi của thế giới đến Việt Nam giảng bài. Bản thân ông nhiều lần trở thành thông ngôn cho những bài giảng đó. Ông thúc đẩy hình thành những nhóm nghiên cứu khoa học với mong mỏi lập nên trường phái Hà Nội. Và nhờ đó hình thành nên những nhóm nghiên cứu về Tối ưu và về Kỳ dị của nước ta nổi tiếng quốc tế. Cá nhân ông thường xuyên tham gia vào các buổi sinh hoạt khoa học chuyên đề của nhiều lĩnh vực. Ông thúc đẩy hình thành hệ thống các trường chuyên toán, đưa Việt Nam vào nhóm đầu có học sinh học toán xuất sắc của thế giới. Ở một mức độ nào đó, có thể nói giải thưởng toán học Fields danh giá của giáo sư Ngô Bảo Châu là thành quả xứng đáng của sáng kiến và nỗ lực thiết lập hệ thống trường chuyên của cố bộ trưởng giáo sư Tạ Quang Bửu.

Nhắc đến cố bộ trưởng giáo sư Tạ Quang Bửu để thấy rằng nền giáo dục Việt Nam thật sự thiếu một người thuyền trưởng tài năng. Chừng nào chưa có người cầm lái xứng tầm, con thuyền giáo dục Việt Nam sẽ còn luẩn quẩn trong muôn vàn sóng lũ, ngày càng tụt xa thêm với láng diềng, đâu dám mơ đến bắt kịp nhóm đầu của giáo dục nhân loại.

TS Nguyễn Ngọc Chu, viện Toán học Việt Nam

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét