Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

TĨNH LẶNG – BÌNH YÊN Có bao giờ em nhớ lại ngày xưa. Nhặt hương bưới ướp vào tóc buông xõa. Nhặt long lanh ướp vào mắt nắng hạ. Cho bình yên say đắm một góc đời. Có bao giờ em nhặt lá xưa rơi Ép tím thời kỉ niệm miên man nhớ Vắt ngang trời mắt mộng mơ một thuở Để xế chiiều nhấm nhẳn chốn bình yên. Có bao giờ, bao giờ cứ dềnh lên Sóng cuộn trào trong tim dào dạt nóng Vỗ tình yêu xanh cao trời gió lộng Xõa mượt mà tóc mây sánh lung linh. Thủy triều lên, bến mới lại đi tìm Đôi mạn đò chênh chao về giữ nắng Cho bến ấm dưới vòm xanh TĨNH LẶNG Cho BÌNH YÊN thanh thản bến bao dung. Daknong 18-3-2012

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Truyện ngắn sưu tầm

Chuộc lương tâm (Sưu tầm) Cách đây hơn hai chục năm, hồi tôi học phổ thông cấp III, đồng hồ đeo tay còn là thứ xa xỉ phẩm khan hiếm. Một hôm, thằng bạn cùng bàn sắm được một chiếc đồng hồ mới toanh; nó đeo đồng hồ rồi xắn tay áo lên trông thật oách làm sao, khiến cả lớp phục lăn. Chỉ vài hôm sau đã thấy mấy thằng khác cùng lớp đua nhau sắm đồng hồ đeo tay. Ngay cả trong giấc mơ tôi cũng ao ước được như chúng nó: sắm một chiếc đồng hồ để mọi người trông thấy mà thèm. Hôm chủ nhật, tôi về nhà chơi. Lấy hết lòng can đảm, tôi nói với mẹ: “Mẹ ơi, con muốn mua một cái đồng hồ đeo tay, mẹ ạ !” Mẹ tôi trả lời: “Con này, nhà mình đến cháo cũng sắp sửa chẳng có mà ăn nữa, lấy đâu ra tiền để sắm đồng hồ cho con ?” Nghe mẹ nói thế, tôi rất thất vọng, vội quáng quàng húp hai bát cháo rồi chuẩn bị về trường. Bỗng dưng bố tôi hỏi: “Con cần đồng hồ làm gì thế hả ?” Câu hỏi của bố nhen lên một tia hy vọng trong lòng tôi. Rất nhanh trí, tôi bịa ra một câu chuyện: “Hồi này lớp con đang học ngày học đêm để chuẩn bị thi đại học, vì là lớp cuối nên bây giờ chúng con lên lớp không theo thời khoá biểu của trường nữa, cho nên ai cũng phải có đồng hồ để biết giờ lên lớp.” Nói xong, tôi nôn nóng chờ bố trả lời đồng ý; thế nhưng bố tôi chỉ ngồi xổm ngoài cửa chẳng nói câu nào. Trở về ký túc xá nhà trường, tôi chẳng còn dám nằm mơ đến chuyện sắm đồng hồ nữa. Thế nhưng chỉ mấy hôm sau, bất chợt mẹ tôi đến trường, rút từ túi áo ra một túi vải hoa con tý rồi mở túi lấy ra một chiếc đồng hồ mác Thượng Hải mới toanh sáng loáng. Tôi đón lấy nó, đeo ngay vào cổ tay, trong lòng trào lên một cảm giác lâng lâng như bay lên trời. Rồi tôi xắn tay áo lên với ý định để mọi người trông thấy chiếc đồng hồ của mình. Thấy thế, mẹ tôi liền kéo tay áo tôi xuống rồi bảo: “Con này, đồng hồ là thứ quý giá, phải lấy tay áo che đi để giữ cho nó khỏi bị sây xước chứ ! Con nhớ là tuyệt đối không được làm hỏng, lại càng không được đánh mất nó đấy ! Thôi, mẹ về đây.” Tôi tiễn mẹ ra cổng trường rồi hỏi: “Sao nhà mình bỗng dưng lại có tiền thế hở mẹ ?” Mẹ tôi trả lời: “Bố mày bán máu lấy tiền đấy !” Bố đi bán máu để kiếm tiền mua đồng hồ cho tôi ? Trời ơi ! Đầu óc tôi quay cuồng, ngực đau nhói. Tiễn mẹ về xong, tôi tháo chiếc đồng hồ ra, bọc kỹ mấy lớp vải như cũ cất vào cái túi con tý mẹ đưa. Ngay hôm ấy, tôi hỏi thăm các bạn xem có ai cần mua đồng hồ mới không. Các bạn hỏi tôi tại sao có đồng hồ mà lại không đeo, tôi bảo tôi không thích. Họ chẳng tin, cho rằng chắc hẳn đồng hồ của tôi có trục trặc gì đấy, vì thế chẳng ai muốn mua nó. Cuối cùng tôi đành phải nhờ thầy chủ nhiệm lớp giúp tôi tìm người mua đồng hồ và thành thật kể lại đầu đuôi câu chuyện cho thầy nghe, vừa kể vừa nước mắt lưng tròng. Thầy chủ nhiệm nghe xong bèn vỗ vai tôi và nói: “Đừng buồn, em ạ. May quá, thầy đang cần mua một chiếc đồng hồ đây, em để lại nó cho thầy nhé !” Thầy trả tôi nguyên giá, còn tôi thì dùng số tiền đó nộp hai tháng tiền ăn ở nhà ăn tập thể. Có điều khó hiểu là sau đó chưa bao giờ tôi thấy thầy chủ nhiệm đeo đồng hồ cả. Mỗi lần tôi hỏi tại sao thì thầy chỉ cười không nói gì. Về sau tôi thi đỗ đại học rồi ra trường và làm việc ở một tỉnh lỵ xa quê. Câu chuyện chiếc đồng hồ kia cứ mãi mãi đeo bám ám ảnh tôi. Trong một dịp về quê thăm gia đình, tôi tìm đến nhà thầy chủ nhiệm cũ và hỏi chuyện về chiếc đồng hồ ấy. Thầy tôi bây giờ đã già, tóc bạc hết cả. Thầy bảo: “Chiếc đồng hồ vẫn còn đây.” Nói rồi thầy mở tủ lấy ra chiếc túi vải hoa nhỏ xíu năm nào mẹ tôi đưa cho tôi. Thầy mở túi, giở từng lớp vải bọc, cuối cùng chiếc đồng hồ hiện ra, còn mới nguyên ! Tôi kinh ngạc hỏi: “Thưa thầy, tại sao thầy không đeo nó thế ạ ?” Thầy chủ nhiệm từ tốn trả lời: “Thầy đợi em đến chuộc lại nó đấy !” Tôi hỏi tiếp: “Thưa thầy, vì sao thầy biết em sẽ trở lại xin chuộc chiếc đồng hồ ạ ?” Thầy bảo: “Bởi vì nó không đơn giản chỉ là chiếc đồng hồ, mà điều quan trọng hơn, nó là lương tâm của một con người.”

Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Có những vùng đất cứ níu mãi trong kí ức ta, từ khi còn là một đứa trẻ cho đến lúc tóc điểm bạc. Dù cách xa bao nhiêu nhưng nhắm mắt lại, ta vẫn thấy nó hiện ra trước mặt rõ rệt đến từng chi tiết, như thể vùng đất ấy chỉ có không gian mà không có thời gian. Quê ngoại tôi là một nơi như vậy. Làng Minh Lệ yên bình bên ngã ba hai dòng sông: sông Son và sông Rào Nam. Sông Son bắt nguồn từ cửa động Phong Nha (mà động thì bắt đầu từ đâu chẳng ai biết), nhưng đến mùa hè, đứng trên đỉnh Thiên Sơn nhìn xuống, dòng sông một bên nước trong vắt, còn một bên lại đục vàng màu đất bãi bồi. Sông Rào Nam thì bắt nguồn từ một khe nước nào đó sâu thẳm giữa dãy Trường Sơn đại ngàn âm u hùng vĩ, tôi đoán vậy bởi trong những đêm mùa hạ, dưới bầu trời đầy sao nhấp nháy, hình như có tiếng thầm thì của những chàng trai, cô gái thời chiến tranh vọng lại trong làn nước mênh mông. Làng quê tôi thật nhỏ, lại còn chia ra năm xóm nhỏ hơn là xóm Bắc, xóm Nam, xóm Tây, Minh Tiến, Giáp Tam. Ờ nhỉ, sao lại không có xóm Đông?. Năm xóm như năm ngón tay trên bàn tay hiền hòa theo năm tháng, với rạ đồng, bến nước, đình làng, ao sen, hói đồng, đồng Chăm, cồn Dưa, cồn sẻ. Mỗi cái tên cứ khắc khoải trong tâm trí mỗi khi nhớ lại. Cũng lạ kỳ, ai hơi đâu gãi mãi chuyện ngày xưa!. Tết năm nay tôi về quê đúng vào hôm chợ phiên. Sống ở thành phố với những chợ đầu mối mênh mông như chợ Cồn, chợ Hàn, tự dưng thấy cái chợ Mới quê mình sao nhỏ vậy, đếm cả chợ chưa đầy ba chục sạp hàng, mua cái gì cũng "thêm cho một chút". Chợ nằm bên cạnh bờ sông, bắt được con cá, con tôm nào dưới sông là đưa luôn vào chợ, con nào cũng tươi rói, quẫy quẫy như mời chào người mua. Mà cũng chẳng cần mời, chỉ nụ cười của mấy ả, mấy mệ là đủ để níu chân người xa xứ trở về, lòng thanh thản sau những tháng ngày bon chen nơi thành phô náo nhiệt. Tôi mua hai chục bánh tráng, lại thêm liếp bánh dì, bánh nướng, bánh xèo về cho mọi người ăn sáng, còn mình thì tranh thủ ăn nóng ngay tại chợ(!). Chị bán hàng vừa quấn bánh xèo, vừa tranh thủ hỏi chuyện xa xôi, tôi kể sự thật ở phố mà cứ thấy sự ngạc nhiên long lanh trong đôi mắt của chị, có lẽ chị chưa một lần được đi đến thành phố lớn bao giờ, ngoài công việc cứ sáng tinh mơ mang gánh hàng ra chợ, trưa về và chiều đến lại ra đồng, tối ngồi lụi cụi làm bánh để bán cho ngày sau. "Mấy đứa con tui nhờ vô sạp hàng ni đó chú". Nghe mà thấy mình xa quê quá lâu!... Tôi ngồi nghe dì tôi nói chuyện chuẩn bị tết dưới bóng đèn tuýp lờ mờ. "Một tháng tiền điện của nhà dì là hai mươi nghìn đồng"- dì tôi nói. Vậy mà cũng thuộc loại dùng "quá tải" của xóm, vì có nhà chỉ năm nghìn đồng thôi. Các cháu lo học ban ngày, tối ngủ sớm(!), đỡ được đồng nào hay đồng nấy. Dì bứt rành rành về, phơi khô bó lại làm chổi, bán mỗi cái được ba nghìn. Cả tháng nếu đi rú được thì có thể kiếm được ba trăm. Dì nói và nhìn bâng quơ vào bóng đêm đen ngắt của mùa đông giáp tết đang dập dềnh trước hiên qua mấy tàu lá chuối phấp phỏm. Tôi nhớ về thuở ngày tôi mới học lớp 2, mùa đông cũng như mùa hè, lũ trẻ chúng tôi cứ phênh phang áo mỏng đến trường, ba mẹ thì đi làm xa, ở với mệ ngoại nên vô kỉ luật, buổi chiều vào lớp lúc một rưỡi, nhưng mười một giờ trưa là cả bọn đã gọi nhau đi học kẻo trễ, trường cách nhà đến một kilomét(!). Có buổi bọn con trai chúng tôi tắm sông trước cổng trường, lúc lên thì chẳng thấy quần áo đâu, cả lũ ở truồng tồng ngồng chạy về nhà thay quần áo khác. Hôm đó đã bị ăn roi ở nhà, cô giáo phạt tội đến muộn, lại còn phải nịnh đám con gái bằng một rổ bần để nó chỉ chỗ giấu áo quần dưới cát. Kỷ niệm nhớ đời(!). Ôi, làng quê và tuổi thơ. Mới đó mà đã hơn nửa đời người trôi qua. Trầm tư nhặt lại những ngày xưa, ngày còn, ngày mất. Những giấc mơ và những giấc thật. Đếm bao giờ hết được kỉ niệm thao thức hàng đêm. Tuổi thơ, quê hương...

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Phượng tím


PHƯỢNG TÍM

Đà lạt
Ngày tôi trở lại
Vẫn những hàng thông
Thăm thẳm xuyên mây
Vẫn những con đường
Khúc khuỷu ú tim!
Chợt nhận ra
Màu thủy chung
Phượng tím!
Tôi chợt hiểu
Vì sao tôi bịn rịn
Bởi phượng buông tím cổng sân trường.
Tôi yêu hơn
Màu tím đỗi yêu thương
Nồng nàn ươm má em
Bồi hồi
Níu bước.
Thủy chung cùng em bao mùa nay có được
Câu nhận lời chung thủy
Nhẹ nhàng
Thủ thỉ suy tư.
Tôi yêu hơn những tím chiều giấu nắng
Tôi yêu hơn sương hồ đêm yên lặng
Phượng tím cùng em man mác
Thiên đường!
***
Mai tôi xa rồi
Nhẹ hẫng hành trang
Chỉ còn em nặng lòng tôi đến thế!
Phượng tím em
Nếu chừng có thể
Hãy tím vào giấc ngủ yêu tôi!

Đà lạt 12-3-2012

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

NỖI NHỚ BỐN MÙA

Bao năm rồi em có nhớ mùa xuân
Nhớ rét ngọt đầu môi, mưa phùn neo lưới bạc
Hoa thầm thì như mùa xuân đang hát
Gửi nồng nàn vào say đắm cỏ cây.

Bao lâu rồi, em còn nhớ hạ đây?
Trời xanh thắm vào tiếng ve thảng thốt
Vào tim em như dương cầm buông nốt
Cháy yêu thương phượng ngún đỏ góc trời.

Em có còn nhớ mùa thu xanh chơi vơi?
Ướp hương vào tóc em thời mây nước
Ướp nắng vào mắt em mong có được
Một tình yêu dào dạt bốn phương trời.

Em có còn đếm lá mùa đông rơi
Cây sầu đông nhớ người xưa mòn mỏi
Cây bàng khóc còn lơ thơ lá đỏ
Nốt nhạc buồn đi lạc chốn bao dung.

Nỗi nhớ bao nhiêu ở mãi ngìn trùng
Đan võng mây, neo lưng trời gió hát
Bốn mùa qua giữ lại trong nốt nhạc
Nỗi nhớ bây giờ còn đằm thắm không em?

Đà Lạt 11-3-2012