Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Có những vùng đất cứ níu mãi trong kí ức ta, từ khi còn là một đứa trẻ cho đến lúc tóc điểm bạc. Dù cách xa bao nhiêu nhưng nhắm mắt lại, ta vẫn thấy nó hiện ra trước mặt rõ rệt đến từng chi tiết, như thể vùng đất ấy chỉ có không gian mà không có thời gian. Quê ngoại tôi là một nơi như vậy. Làng Minh Lệ yên bình bên ngã ba hai dòng sông: sông Son và sông Rào Nam. Sông Son bắt nguồn từ cửa động Phong Nha (mà động thì bắt đầu từ đâu chẳng ai biết), nhưng đến mùa hè, đứng trên đỉnh Thiên Sơn nhìn xuống, dòng sông một bên nước trong vắt, còn một bên lại đục vàng màu đất bãi bồi. Sông Rào Nam thì bắt nguồn từ một khe nước nào đó sâu thẳm giữa dãy Trường Sơn đại ngàn âm u hùng vĩ, tôi đoán vậy bởi trong những đêm mùa hạ, dưới bầu trời đầy sao nhấp nháy, hình như có tiếng thầm thì của những chàng trai, cô gái thời chiến tranh vọng lại trong làn nước mênh mông. Làng quê tôi thật nhỏ, lại còn chia ra năm xóm nhỏ hơn là xóm Bắc, xóm Nam, xóm Tây, Minh Tiến, Giáp Tam. Ờ nhỉ, sao lại không có xóm Đông?. Năm xóm như năm ngón tay trên bàn tay hiền hòa theo năm tháng, với rạ đồng, bến nước, đình làng, ao sen, hói đồng, đồng Chăm, cồn Dưa, cồn sẻ. Mỗi cái tên cứ khắc khoải trong tâm trí mỗi khi nhớ lại. Cũng lạ kỳ, ai hơi đâu gãi mãi chuyện ngày xưa!. Tết năm nay tôi về quê đúng vào hôm chợ phiên. Sống ở thành phố với những chợ đầu mối mênh mông như chợ Cồn, chợ Hàn, tự dưng thấy cái chợ Mới quê mình sao nhỏ vậy, đếm cả chợ chưa đầy ba chục sạp hàng, mua cái gì cũng "thêm cho một chút". Chợ nằm bên cạnh bờ sông, bắt được con cá, con tôm nào dưới sông là đưa luôn vào chợ, con nào cũng tươi rói, quẫy quẫy như mời chào người mua. Mà cũng chẳng cần mời, chỉ nụ cười của mấy ả, mấy mệ là đủ để níu chân người xa xứ trở về, lòng thanh thản sau những tháng ngày bon chen nơi thành phô náo nhiệt. Tôi mua hai chục bánh tráng, lại thêm liếp bánh dì, bánh nướng, bánh xèo về cho mọi người ăn sáng, còn mình thì tranh thủ ăn nóng ngay tại chợ(!). Chị bán hàng vừa quấn bánh xèo, vừa tranh thủ hỏi chuyện xa xôi, tôi kể sự thật ở phố mà cứ thấy sự ngạc nhiên long lanh trong đôi mắt của chị, có lẽ chị chưa một lần được đi đến thành phố lớn bao giờ, ngoài công việc cứ sáng tinh mơ mang gánh hàng ra chợ, trưa về và chiều đến lại ra đồng, tối ngồi lụi cụi làm bánh để bán cho ngày sau. "Mấy đứa con tui nhờ vô sạp hàng ni đó chú". Nghe mà thấy mình xa quê quá lâu!... Tôi ngồi nghe dì tôi nói chuyện chuẩn bị tết dưới bóng đèn tuýp lờ mờ. "Một tháng tiền điện của nhà dì là hai mươi nghìn đồng"- dì tôi nói. Vậy mà cũng thuộc loại dùng "quá tải" của xóm, vì có nhà chỉ năm nghìn đồng thôi. Các cháu lo học ban ngày, tối ngủ sớm(!), đỡ được đồng nào hay đồng nấy. Dì bứt rành rành về, phơi khô bó lại làm chổi, bán mỗi cái được ba nghìn. Cả tháng nếu đi rú được thì có thể kiếm được ba trăm. Dì nói và nhìn bâng quơ vào bóng đêm đen ngắt của mùa đông giáp tết đang dập dềnh trước hiên qua mấy tàu lá chuối phấp phỏm. Tôi nhớ về thuở ngày tôi mới học lớp 2, mùa đông cũng như mùa hè, lũ trẻ chúng tôi cứ phênh phang áo mỏng đến trường, ba mẹ thì đi làm xa, ở với mệ ngoại nên vô kỉ luật, buổi chiều vào lớp lúc một rưỡi, nhưng mười một giờ trưa là cả bọn đã gọi nhau đi học kẻo trễ, trường cách nhà đến một kilomét(!). Có buổi bọn con trai chúng tôi tắm sông trước cổng trường, lúc lên thì chẳng thấy quần áo đâu, cả lũ ở truồng tồng ngồng chạy về nhà thay quần áo khác. Hôm đó đã bị ăn roi ở nhà, cô giáo phạt tội đến muộn, lại còn phải nịnh đám con gái bằng một rổ bần để nó chỉ chỗ giấu áo quần dưới cát. Kỷ niệm nhớ đời(!). Ôi, làng quê và tuổi thơ. Mới đó mà đã hơn nửa đời người trôi qua. Trầm tư nhặt lại những ngày xưa, ngày còn, ngày mất. Những giấc mơ và những giấc thật. Đếm bao giờ hết được kỉ niệm thao thức hàng đêm. Tuổi thơ, quê hương...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét