Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

VỀ QUÊ NGOẠI


Tôi về quê ngoại một ngày giáp tết Tân Tỵ. Đợt rét mùa chưa kịp đi qua, còn để lại những nét héo quăn trên ngọn cỏ may ven đường, những bông cỏ may lả theo chiều gió thổi, bám vào gấu quần của người con xa xứ nao lòng. Buổi sớm còn lạnh lẽo sương, những tiếng chào đón ban mai không còn rộn rã như mùa hè cớm nắng. Chỉ có tiếng lao xao của lá khô quẹt vào rễ cỏ, tiếng thầm thì đâu đó như hạt lúa sạ trên mặt ruộng bùn đang nảy mầm. Và có lẽ có cả tiếng cười nhẹ nhàng từ lòng quê man mác đến thế chăng.

Cảnh quê cũng như ngày xưa, vẫn cánh đồng trước, đồng sau, xóm Nam, xóm Tây, xóm Bắc. Có lẽ hiện đại hơn là con đường bê tông nối liền các xóm, từ Đồng Chăm đến ga, vòng qua xóm Nam xuống đến Hợp Hòa, khiến cho những bước chân đi trong bùn ngày đông tháng giá không còn mỏi như xưa, động viên con cháu ngày về thăm quê nhiều hơn. Lác đác trên cánh đồng xa có vài nhóm người đang sạ lúa sớm. Những đôi chân dầm mình trong bùn non, vươn cái cào khẳng khiu ra xa trông như nghệ sĩ, nông dân thời đại mới, lâu lâu lại rút điện thoại di động trong túi ra nghe, chắc là con cháu ở xa về hỏi thăm, bởi hôm nay là ngày xủi mã làng. Tôi về quê cũng vì lẽ đó…

Cả đoàn đại gia đình tôi bước xuống thuyền, ngay cả gọi đò ngày nay cũng không còn cảnh bắc hai bàn tay làm loa như hồi trước, mà rút điện thoại ra a lô đến oai. Bác lái đò chân xắn ống cao ống thấp, cẳng chân đầy bùn như mới dưới ruộng lên đò đi ngay, nhưng cũng cái điện thoại nhái iphone như thật. Dân nhà quê hay sĩ thôi, chứ mấy ai dùng hết tính năng của nó. Con đó máy trùng triềng rời bến, những sợi thừng chăng lưới quay chéo chéo mặt sông, đóng theo vài cọng rều và mấy con hàu như nốt mụn, ấy vậy mà bền ra phết, bao mùa mưa nắng vẫn gan lì dưới dòng nước mặn nuôi sống bao người qua tháng năm.

Dòng sông Rào Nam xanh ngắt ôm lấy nửa con thuyền, bung ra những lườn sóng như những ngón tay người mẹ vuốt ve đứa con bé nhỏ. Có ai hay trong lòng sông đó là những kỉ niệm của bao lứa người như chúng tôi, những sự nhọc nhằn của bao người hiện tại. Dòng nước xanh mà đời người đâu xanh mãi, bọt sóng bạc đầu như mái tóc muối tiêu phủ lên cõi nhân gian. Ông thầy cúng ngồi trong lòng thuyền lâm râm khấn ba mươi sáu tầng trời cha, bảy mươi hai tầng đất mẹ, và gì gì đó nữa mà gió thổi bạt mất, võng qua tai tôi như hoài niệm cổ xưa.

Trời lất phất mưa bụi, nhắm lên tóc, lên mi của các dì như những hạt sương long lanh. Nhắm vào ai không nhắm, lại nhắm vào mấy bà dì mau miệng, phút chốc thành cả một hội chuyện trò rôm rả cả lòng sông.

Tôi mơ màng ngắm ngã ba sông Son với Rào Nam, nơi bến cát ngày xưa bị tụi con gái giấu hết áo quần, nay đã được xây bằng đê bê tông chống lở. Vậy là không còn cái bãi cát trắng một thời lặn lội của chúng tôi nữa, những đứa trẻ bây giờ ra sông rón rén bước trên những bậc thang xi măng, liệu chúng có biết đến tiếng lạo xạo của bàn chân trẻ dẫm trên cát trắng những buổi trưa hè, những chiều thu xao xuyến trong ngọn nồm nam chao liệng như chúng tôi ngày xưa?. Hai dòng sông như hai cánh tay dang ra, ôm lấy làng tôi trong tình yêu vĩnh cửu. Một dòng ngược lên là Phong Nha huyền thoại, một dòng ngược lên là những lèn đá Lệ Sơn, Lạc Sơn, và biết đâu đi lên nữa, lại đến miền núi đá của truyền thuyết những cô gái cung tần mỹ nữ của vua Hàm Nghi xinh đẹp. Nơi đó một thời cũng để lại cho tôi những kỉ niệm ngọt ngào lúc mới ra trường. Nhắm mặt lại cũng thấy được tình yêu xao xuyến đi qua như thước phim quay chậm về lại miền cổ tích yêu thương. Và biết đâu nơi đó đến giờ vẫn còn bóng dáng những thiếu nữ điểm nồng nàn lên ruộng lúa, nương ngô của vùng sơn cước. Cái hình ảnh đã đi vào vĩnh cửu trong những bài ca về vùng núi non xa xôi.
Đêm trăng mùa đông mênh mông. Chỉ còn chục ngày nữa là hết năm cũ. Qui luật thời gian đã lặp đi lặp lại mấy chục năm mà sao cứ mỗi dịp tết về, mỗi con người lại chộn rộn trong tâm. Hết lo thứ này đến thứ khác để mong ngóng về quê. Hết đùm này gói khác chất lên xe, lên tàu, những tiếng cười nói, có cả cãi nhau, nhưng trong lòng ai cũng nôn nóng mau chóng trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Không biết một thế kỉ nửa trôi qua, có còn những khung cảnh ngàn năm để lại như vậy không nhỉ?... Tôi nhìn lên nửa vầng trăng xa xa, trời trong vắt đến thiên hà vĩnh cửu, yên lặng và lạnh lẽo, thậm chí có thể nghe được tiếng xao động của từ trường dịch chuyển theo mùa đi qua. Ánh trăng như xuyên thẳng qua bàn tay tôi, soi lên ngọn cỏ chập chờn ngủ muộn. Mỗi lần về là mỗi lần dạt dào ước muốn được ở lại thật lâu, cho thỏa nỗi nhớ mong và đừng nghe tiếng xô bồ nhịp sống thị thành. Hồn quê cứ soi vào tâm nguyện không thôi, mang thông điệp đến cho đời sau bằng du chuyển huyền ảo.
Quê tôi đó.
27-1-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét