Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

LÒNG YÊU NƯỚC VÀ LÒNG HÂM MỘ
Vòng chung kết cúp AFC đã khép lại. Trong niềm vui vẫn có những nỗi buồn. Có lẽ điều dễ nhận ra ở những gương mặt hân hoan khi đón đội tuyển trở về không phải vì thành tích bóng đá. Vậy thì vì một cái gì khác mà nó tạo ra một cơn sóng chào đón cuồng nhiệt đến vậy!
Nếu chỉ tính riêng fan hâm mộ bóng đá thì làm gì đến một phần ba số lượng người trên, nhưng thời điểm đã lôi kéo được cả một tập thể hàng chục triệu người cùng nói một tiếng và nhìn về một hướng. Đó không phải là xuất phát từ tình yêu bóng đá, mà xuất phát từ một góc nhìn vô hình khác: lòng tự tôn của dân tộc. Giải đầu AFC lần này chỉ là đối tượng mà lòng tự tôn dân tộc mượn để thể hiện bản chất của nó.
Nếu xét về lịch sử, thì trong vòng 50 năm trở lại đây, có bốn lần lòng tự tôn dân tộc được thể hiện qua sự kiện: lần thứ nhất là ngày 3/9/1969 khi Bác Hồ vừa mất, lần thứ hai là ngày 30/4/1975 khi cả nước thống nhất, lần thứ ba là ngày 4/10/2013 khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, và gần đây nhất là ngày 27/1/2018 khi đội U23 đoạt huy chương bạc cúp AFC.
Những lần đó gây tiếng vang trong nước và trên thế giới đến nỗi nhiều nhà nghiên cứu về dân tộc học phải hỏi: Làm thế nào để kích dậy lòng yêu nước? Xin thưa rằng chẳng có cách nào đâu, vì lòng yêu nước xuất phát từ lòng tự tôn dân tộc, mà nó đã có sẵn trong máu của mỗi người dân Việt Nam, kể cả sống trong nước hay ở nước ngoài. Nên các nhà nghiên cứu có đi tìm kiếm cách khêu dậy lòng yêu nước là một nghiên cứu thừa, chứng tỏ những người đó chẳng hiểu gì về dân tộc mà họ đang nghiên cứu cả.
Mỗi con người có một trái tim để yêu thương, một trí tuệ để phán xét hành động. Khi hai yêu tố đó kết hợp với nhau một cách đồng đều thì chúng sẽ tạo ra đạo đức, phẩm chất, cảm xúc và tính nhân văn cho người sở hữu chúng. Tình yêu đất nước, con người hình thành như vậy đó, thưa các nhà nghiên cứu hay những người cố tỏ ra yêu nước, thương nòi ạ.
Có người hỏi sức mạnh đến từ đâu? Nếu trận chung kết được đá lúc 15g của một mùa hè cháy bỏng gió Lào, trên cồn cát trắng như lửa của dải đất duyên hải Miền Trung thì liệu đội Uzbekistan có làm nên chuyện không?. Chắc chắn ai cũng có thể dễ dàng có được câu trả lời. Người dân Uzbekistan thờ ơ với sự thành công của đội tuyển của họ sau giải AFC cho U23 vừa rồi, không phải vì họ không yêu nước. Họ cũng yêu Tổ quốc họ lắm chứ. Họ cũng có lòng tự tôn dân tộc của riêng mình. Chỉ đơn giản là họ đã thể hiện lòng yêu nước bằng một sự kiện khác, vào một thời điểm khác. Chúng ta không bắt họ thể hiện tình yêu nước của họ như ta yêu đất nước của ta.
Sau giải đấu này là lại tiếp nhiều giải đấu khác. Và nếu giải đấu nào dù lớn hay nhỏ, kể cả đến WC mà Việt Nam đạt được như hôm nay thì liệu có phải cứ mỗi lần đội bóng về, cả nước lại tổ chức long trọng như vừa rồi không? Và khi đó liệu người dân cũng giống như Uzbekistan hôm nay? Cũng có thể có mà cũng có thể không. Bởi vì người dân Việt Nam thể hiện lòng tự tôn dân tộc qua sự hâm mộ bóng đá chứ không phải sự hâm mộ tạo nên lòng yêu nước. Nên chúng ta cũng không cầu thị khi nào cũng vậy.
Lòng tự tôn dân tộc là một thứ không đào tạo được. Nó là di sản của dân tộc được kế thừa qua hàng ngàn đời. Chính văn hóa làng xã lại là nhân tố chính làm nên nó chứ không phải là một đô thị văn minh, hiện đại với những mối quan hệ con người lỏng lẻo. Những nụ cười xã giao lướt qua như những hạt bụi lờ mờ của người thành thị không thể nói rằng tốt hơn, văn minh hơn sự cãi vã giữa hai người nông dân vì một chuyện không đâu. Chính sự cãi vã đó lại là một khía cạnh tích cực kết nối họ.
Thứ đáng sợ nhất không phải là mâu thuẫn, mà là sự im lặng đến yên lặng.
Ta bình thản nếu mất đi một người bạn, nhưng lại lo lắng vì không còn kẻ thù.
Hôm nay chiến thắng thì ngày mai ta có thể quên, nhưng nếu hôm nay thua thì ta sẽ nhớ mãi mãi.
Đó chính là triết lí của sự tồn tại, nó vô hình trong mỗi con người, trong cả xã hội mà ta không nhận ra nó hoặc không chịu thừa nhận nó, nhưng nó lại có một sức mạnh điều khiển đặc biệt, đến nỗi ta bị nó điều khiển mà hoàn toàn không biết vì sao khi đó ta lại hành động như vậy.
Lòng tự tôn dân tộc chính là đồng ruộng màu mỡ cho tình yêu đất nước mọc lên, đâm chồi nảy lộc, ra hoa thơm, trái ngọt.
Đừng cố gắng cưỡng bức lòng tự tôn dân tộc, cũng đừng bắt buộc ai đó phải yêu nước bằng ý chí người khác. Khoảng cách từ lòng yêu thương đến sự căm ghét là rất ngắn.
Đem sự vô hình điều khiển một đối tượng hữu hình là cách dễ nhất để làm cho đối tượng rời xa chân lý.
29-1-2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét