Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012
Bố và con gái
Hôm bữa, mẹ kể, bố ở nhà xem đi xem lại những bức ảnh con gái đã chụp rồi thở dài rằng con gái có từ năm nay với các năm trước trông đã khác rồi. Con gái biết bố mẹ lo cho con gái nhiều thế nào.
Con chưa cảm nhận được hết nhưng là con gái lớn…con biết và con hiểu… Đêm qua thế nào lại nằm mơ thấy bố đèo con gái đi trên cái xe mi pha màu xanh ngọc, con gái đội cái mũ bé xíu, hai tay nắm chặt 2 vạt áo bố và í ới “cho con nghị một chí”. Tỉnh dậy, nghĩ đến bố, thấy thương bố hơn bao giờ hết.
Con gái thừa hưởng ở bố một chút lạnh lùng, ít nói, và hay tự ái. Đã yêu, quý ai thì yêu thương và trân trọng hết mình. Đã ghét ai thì xúc đất đổ đi cũng xây được nhà 3 tầng. Bố xưa tới giờ lạnh lùng, ít nói, nhưng luôn theo sát và quan tâm đến con gái theo cách của bố, mà có lẽ đến mãi sau này con gái cũng chưa hiểu hết và biết hết được.
Hồi còn bé, con không hiểu, cứ nghĩ bố không thương con gái, cứ không hiểu tại sao con gái và bố lại xa cách đến thế, chỉ có mẹ là gần gũi. Nhưng lớn lên rồi, con gái hiểu, bố là là ngọn núi thái sơn vững chãi, lặng lẽ nhưng đầy ắp yêu thương. Cách yêu thương của bố âm thầm, nghiêm khắc để bù đắp cho cách yêu thương hiền hòa của mẹ.
Hồi còn bé, con gái cứ nhìn thấy bố là sợ, cả ngày hai bố con chỉ nói với nhau những câu đếm trên đầu ngón tay "con chào bố ạ", "con mời bố ăn cơm"... Lớn lên rồi, con gái mới biết bố thường xuyên hỏi mẹ về con gái, dặn dò mẹ phải hướng dẫn con gái cẩn thận khi con gái bắt đầu dậy thì. Con gái hiểu, tình yêu đâu ở lời nói, mà đơn giản và lặng thầm như bố và con gái.
Hồi còn bé, bố đã bắt con gái học nấu nướng, nữ công gia chánh, dọn dẹp nhà cửa một cách nghiêm túc thực sự. Bố khó tính, món mẹ nấu mà không ngon, không hợp khẩu vị là bố không ăn, nhưng khi con gái học nấu ăn, bố ăn hết dù lúc đầu cơm khê canh mặn. Bố dặn con cứ tập, bố sẽ ăn hết đến khi nào con nấu thành công. Lớn lên, con biết ơn bố vì điều đó, nhất là khi xa nhà, phải tự lập và tự chăm sóc bản thân.
Hồi còn bé, con gái chỉ thích thi thoảng bố mẹ cãi nhau. Vì những lúc bố mẹ cãi nhau thì con gái được nói chuyện với bố nhiều hơn, được đi mua thịt và rau ngót về nấu canh cho bố, và được ở "phe bố”. Những lúc đấy, con gái lớn và bố một mâm cơm, mẹ và em mâm bên cạnh, dù chẳng hờn dỗi gì mẹ, nhưng thấy mình là đồng minh của bố, nên cũng chẳng thèm nói chuyện với mẹ.
Lớn lên, con gái ghét thấy bố mẹ giận nhau, vì con gái không còn ở nhà để đi chợ nấu cơm cho bố nữa.
Hồi còn bé, con gái đã chui lên cái gác xép bé tí mà khóc tấm tức vì bố bênh con gái khi mẹ mắng “chỉ được cái giống bố mày”. Lớn lên, con gái lúc nào cũng tự hào vì được giống bố đến thế.
Hồi còn bé, con gái không biết là bố đã phải ngồi cả đêm giã tôm làm giuốc cho con gái, đã phải giặt hàng chậu tã cho con gái, đã đi hàng chục cây số chỉ để ôm con gái một cái, đã bế con gái khóc ngặt ngẹo chạy khắp nơi chỉ để đút cho bát bột... Lớn lên, con gái mới biết những điều hi sinh nhỏ nhặt mà vô cùng lớn lao.
Khi con gái học lớp 12, con gái nhớ mãi hình ảnh bố ngồi cẩn thận, cặm cụi viết từng nét chữ vào hồ sơ thi đại học cho con gái. Lúc ấy, hình như con gái mới bắt đầu lớn, mới bắt đầu hiểu và thương bố.
Khi con gái đỗ đại học, bố chẳng nói gì, nhưng con gái biết bố còn mừng hơn cả con. Bố tự hào đi khoe khắp nơi về con gái. Ngày đưa con lên nhập trường, con gái nhìn theo bóng bố trên chiếc xe máy đến khi khuất nẻo mà lòng thấy chống chếnh lo âu. Nhưng con gái biết, với hành trang mà bố đã chuẩn bị, con gái vẫn sống thật tốt dù ở xa gia đình.
Khi con gái đi học xa, bố lúc nào cũng giục mẹ gửi đồ ăn tẩm bổ cho con gái. Mỗi lần chở con ra bến xe, lúc nào bố cũng chỉ dặn con gái giữ sức khỏe, tự chăm sóc cho bản thân, xe chạy rồi mà vẫn cố giúi cho con gái ít tiền (chắc mẹ không biết). Con gái giấu đôi mắt sau chiếc khăn bịt mặt mà rưng rức suốt đoạn đường dài.
Khi con gái đi làm, bố cũng là người con gái muốn thông báo và hỏi ý kiến đầu tiên. Thời gian đầu con gái loay hoay lúi húi trong việc chọn ngành chọn nghề cho bản thân. Bố bảo: con làm gì cũng được, miễn là phải cố gắng bằng 110% sức lực của mình. Nếu mẹ lúc nào cũng lo lắng, thì ngược lại bố lúc nào cũng tin vào năng lực của con gái.
Khi con gái bắt đầu những mối quan hệ và cuộc sống riêng, con gái ít nhớ và ít về với bố mẹ hơn, chỉ có bố mẹ là vẫn thường xuyên hỏi han chăm sóc con cái. Đúng là nước mắt thì luôn chảy xuôi, bố nhỉ.
Con gái cũng không quên được bố đã từng thức suốt đêm để viết thư tay cho con gái, để rồi sáng hôm sau lọ mọ ra bến xe gửi lên trao tận tay cho con gái. Bức thư ấy con gái mỗi lần đọc là lại chảy nước mắt. Bố lo con gái trẻ người non dạ, hay tin người và yếu đuối khi vấp ngã. Bố lo người đàn ông không xứng đáng sẽ làm con gái bị tổn thương. Bố dặn dò con gái như con gái mới chỉ 3 tuổi, dù lúc ấy con gái đã 26 tuổi rồi. Con gái tự hứa, sẽ không bao giờ làm điều gì có lỗi với bố mẹ cả, dù câu cuối cùng trong thư bố viết là bố chỉ mong con sống thật hạnh phúc như chính bản thân con muốn thế.
Con nhớ, mẹ dặn con gái “đừng kén chọn nhiều, chỉ cần lấy ai như bố mày thôi”. Con gái cười “chỉ sợ đàn ông như bố tuyệt chủng rồi”. Bố không biết đấy thôi, bố là bản nháp về đàn ông trong mắt con gái. Con gái lúc nào cũng thần tượng bố - một người đàn ông nghiêm khắc, trách nhiệm nhưng vị tha và hết lòng thương yêu con gái.
Có rất nhiều điều về bố mà con gái không thể quên được. Thời gian chẳng bỏ qua một ai, con gái nhìn thấy điều ấy ở bố. Dù vẫn động viên bố còn trẻ, nhưng con biết bệnh tật đã làm bố yếu đi nhiều. Con gái thương mà chẳng làm được gì. Ai bảo con gái giống bố, tính lạnh lùng và ít nói nên ngay cả những câu yêu thương cũng chẳng dám nói với bố.
Trong nhà mình, mẹ là người bạn, nhưng bố là người thầy. Mẹ hiền hòa dễ gần bao nhiêu thì bố lại nghiêm khắc, đôi khi lạnh lùng bấy nhiêu. Mẹ đi bên cạnh cho con gái sự ấm áp tin cậy. Còn bố thì chìa bàn tay, vẫy vẫy giúp con gái tiến về phía trước.
Con gái có thể hồn nhiên kể lể với mẹ về những anh chàng theo đuổi, những chiếc áo mới mua, về nỗi buồn vui bất chợt...nhưng đứng trước những việc lớn cần tư vấn và quyết định, con gái thường chọn bố. Con gái có thể xin mẹ điều nọ điều kia nhỏ nhặt, nhưng cần lúc cần sự ủng hộ con gái luôn chọn bố.
Con gái càng thấy hạnh phúc vì mình đã được lớn lên trong tình thương vững chãi của bố bao nhiêu, thì càng buồn vì mình chưa làm được gì nhiều cho bố bấy nhiêu. Con gái biết và hiểu những trăn trở của bố mẹ đối với con gái lớn. Bố cũng như những người khác đều mong con cái mình phương trưởng và sớm có một chỗ dựa để sớm tối hạnh phúc như gia đình mình. Vậy mà con gái vẫn chưa làm được điều ấy, để nỗi lo vẫn còn quanh quẩn trên 2 mái đầu cha mẹ.
Con gái lớn tuổi này rồi, mà bố mẹ vẫn lo lắng con gái ho hắng những ngày trở lạnh, vẫn lo cho bữa cơm sức khỏe của con gái, vẫn lo con gái không đủ tiền tiêu, vẫn lo con gái có làm tốt công việc không, lo con gái có biết cách cư xư đối đãi với bạn bè, xã hội không, rồi lại lo con gái va vấp khi chưa hiểu người hiểu đời…
Con gái hiểu, dù ở tuổi nào con gái cũng chỉ là đứa trẻ của bố mẹ, còn được ở bên bố mẹ ngày nào thì ngày đó với con gái là ngày hạnh phúc. Mỗi lần gặp khó khăn, vấp ngã, hay trắc trở, con gái luôn tự nhủ “phải sống và sống thật tốt vì bố mẹ”. Bố mẹ hãy thật mạnh khỏe để con gái biết, bên cạnh con gái lúc nào cũng có nơi để trở về như còn bé thơ.
Cảm ơn bố của con
Hằng Nguyễn
Chia sẻ những vui buồn, cảm xúc... về cuộc sống của bạn tạidoisong@vnexpress.net. Vui lòng gửi bằng file word, tên file không dấu.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét