Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

THƯ GIÃN CUỐI TUẦN



LUẬN BÀN THÊM BỎ CÁC MÔN HỌC
Tôi bế thằng con trai 2 tuổi ngồi bên cửa sổ, cảm thấy cần nói với nó điều gì đó bổ ích. Nói gì nhỉ? À! đây rồi, câu chuyện liên quan tới tương lai cu cậu đây. Tương lai nó đằng nào chả đi học nên nói chuyện học hành của nó sau này là tốt nhất. Nó hiểu hay hay không  cũng chẳng sao.
- Con trai, sau này lớn lên là con phải đi học, nhưng học cái gì và học như thế nào là vấn đề rất quan trọng, nên bây giờ ba sẽ nói cho con nghe về việc lựa chọn, bỏ hay thêm các môn học mà sau này con sẽ được học. Ba nói đến đâu nếu con đồng ý thì con dạ, con hiểu không? Con dạ đi!
- Dạ! (Nó vểnh mũi lên và bắt đấu chăm chú nghe)
- Thứ nhất, môn Toán: đó là một môn khoa học tự nhiên lêu lổng, chẳng mang lại hiệu quả gì nếu chỉ học một mình môn toán. Mà người ta phải gắn nó vào một cái gì đó. Ví dụ con học 2 + 2 = 4, nhưng con không biết 2 cái gì, 4 cái gì, nên ta phải gắn nó với một đối tượng, chẳng hạn như 2 con chim cộng với 2 con chim thành 4 con chim. Như vậy trong thực tế, Toán phải được tích hợp với những môn có đối tượng như Vật lý, Sinh vật, Hóa học… Con hiểu chưa? Con dạ đi!
- Dạ!
- Môn Văn, cũng là một môn hư không. Con người ta không thể cứ suốt ngày ngồi đọc truyện tiểu thuyết hay ngâm thơ mà ra cơm ăn, nước uống được. Do vậy Văn học cũng phải gắn liền với đời sống chứ không thể đứng một mình. Ví dụ như người nông dân nói: "Anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương, nhớ ai dãi nắng dầm sương, nhớ ai tát nước bên đường hôm nao". Như vậy con thấy Văn học phải gắn với Thực vật học hay Hôn nhân gia đình… Nói tóm lại Văn học phải là môn tích hợp vào các môn khác như Pháp luật, Kỹ thuật công nghệ… chứ không thể học trơ trọi môn Văn được. Con hiểu không? Con dạ đi!
- Dạ!
- Môn Vật lý là một môn trừu tượng vì có nhiều vấn đề liên quan đến lý thuyết cơ bản như lượng tử, nguyên tử, hạt nhân, bom nguyên tử… Do đó nếu con chỉ học riêng những thứ cơ bản ấy thì không thể nào áp dụng vào thực tế sau này con lớn lên để có thể mang lại những vật chất hay tinh thần cho cuộc sống của con như xe đạp, chổi quét nhà, vòi nước… Như vậy nói tóm lại môn vật lý cũng phải là một môn tích hợp thì mới có thể vận dụng được. Có thể tích hợp nó vào trong môn Thể dục đạp xe, Khoa học thường thức… Khi đó mới hy vọng là học vật lý có ý nghĩa thực tiễn và mang lại nhiều kiến thức, kỹ năng cho con… Con hiểu không? Con dạ đi!
- Dạ!
- Môn Hóa học, đây là một môn vô bổ nếu con không đi làm ở các nhà máy sản xuất vật liệu hóa như bia, rượu, thuốc diệt cỏ… Con có thấy hàng ngày gia đình chỉ vận dụng hóa học trong việc nêm muối và mì chính vào trong canh hay cho muối, đường vào kho cá không. Chính vì vậy môn Hóa cũng phải được tích hợp vào những môn khác như môn dạy nấu ăn hay kỹ năng sơn nhà cửa… Nói tóm lại là con phải học theo kiểu tích hợp thì mới có thể phát huy được hiệu quả của Hóa học mang lại. Con hiểu không? Con dạ đi!
- Dạ!
- Môn Địa lý, đây là môn hiển nhiên tồn tại vì đó là khoa học nghiên cứu về trái đất, các dòng sông, biển, hồ, khoáng sản… Mà con biết những thứ đó con không thể đẻ ra nó được. Tự nhiên đã phân định các thành phần như thế. Nếu con đi nghiên cứu thật nhiều về địa lý thì trái đất vẫn là trái đất, đất nước vẫn là đất nước, khoáng sản thì chỉ có thể đào lên chứ không ai đi chế tạo khoáng sản rồi đem chôn xuống cả… Nói tóm lại đây cũng chỉ là môn tích hợp. Ví dụ như tích hợp nó vào môn Kỹ thuật công nghệ chuyên đào đất, môn Thiên văn để ngắm sao trời hay môn Dự báo thời tiết… Như vậy con sẽ thấy hiệu quả và ý nghĩa hơn. Con hiểu không? Con dạ đi!
- Dạ!
- Môn Lịch sử, đây là môn học dạy về những gì đã trôi qua, mà con biết đấy, đã trôi qua tức là đã xảy ra, mà đã xảy ra tức là ta không thể thay đổi được nữa, mà đã không thể thay đổi được nữa thì việc con biết về nó hay không biết về nó cũng chẳng thay đổi được cuộc sống tương lai của con. Con có thể rất rành ngày tháng năm xảy ra các sự kiện lịch sử nhưng con không thể biết được ngày mai sẽ thế nào, trong khi cái con cần là ngày mai, năm sau… chứ không phải năm ngoái, thế kỷ trước… Vậy thì nếu con chỉ học riêng môn Lịch sử liệu có ích gì trong việc thay đổi số phận hay cuộc sống của con như nhà cửa, xe cộ, vợ con, tiền bạc của con sau này. Nói tóm lại nên để nó tích hợp vào trong những môn học khác mang lại ý nghĩa nhiều hơn cho cuộc sống như học lái xe, xây nhà, lấy vợ… thì mới có tác dụng. Con hiểu không? Con dạ đi!
- Dạ!
- Môn Giáo dục công dân: như con thấy đó, ba cũng đang dạy giáo dục công dân cho con đây mà có cần đến bài vở môn ấy đâu. Phẩm chất con người là bản năng và ý thức. Do đó hành động là từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, mà như vậy nghĩa là phải nhìn thấy rồi mới suy nghĩ, chứ không ai đi làm ngược lại, suy nghĩ rồi mới mong nhìn thấy. Việc giáo dục công dân phụ thuộc vào ba môi trường cơ bản là gia đình, xã hội và nhà trường. Như vậy nhà trường chỉ chiếm một phần ba khối lượng giáo dục trong con thì làm sao mà giáo dục hoàn thiện được. Con có thể học về đạo đức trong trường nhưng về nhà con vẫn khóc lè nhè đòi ti mẹ đó thôi. Cho nên môn Giáo dục công dân này cũng phải được tích hợp vào những môn học có liên quan đến gia đình và cộng đồng như môn Kỹ năng mềm, Đạo đức, Nhập môn ngành(ngành gì thì tính sau)… Con hiểu không? Con dại đi!
- ….
- Con nghe ba dạy không đấy hả?
Nhìn lại thì cu cậu nằm chỏng chân ngủ khò khò từ bao giờ rồi.
16-11-2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét