Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017

NGÀY ĐẦU TIÊN
Chuyến bay đến sân bay Narita lúc 6g40. Mình đã đến đây một lần vào năm 2012 nên cũng không có gì lạ lẫm với nó lắm. Chỉ có là giờ đi ra chứ không phải đi qua như hồi đó. Câu đầu tiên khi ra khỏi cửa máy bay là được mấy cô nhân viên sân bay cúi đầu: Good morning. Vậy là hết vốn từ trong cái lạnh 5 độ buổi sớm của Tokyo.
Hải quan:
Đang đứng chờ cô đồng nghiệp lấy vali, bảo nó chụp cho mình cái ảnh. Nào ngờ vừa lóe đèn lên thì một ông hải quan lù lù đến xua tay, nói một tràng tiếng Nhật. Mình ngoắc cái đầu lên cóc hiểu. Ổng chỉ vào cái cột to tướng có dán một mảnh giấy bằng bàn tay in hình cái máy ảnh bị gạch chéo. Bố hại những người mắt kém như mình, giương hết kính lên cũng không phát hiện được biểu tượng cấm chụp ảnh, quay phim ở khu vực này. Khi làm thủ tục nhập cảnh, một nhân viên hải quan khác kiểm tra tờ khai, cũng xua tay liên tục, một lúc sau mới phát hiện ra là thiếu chữ ký. Xong! Tiếp đến ra cửa nhập cảnh, một nhân viên viên khác cũng xua tay loạn xạ, bảo mình đưa hộ chiếu. Ổng nhìn tới nhìn lui, nói tiếng Nhật một mình gì gì đó, chắc thấy mình cũng đàng hoàng nên bấm dấu chụp rồi chỉ cho đi, giải thích vài câu sau lưng mà mình không biết mô tê gì cả. Không biết nó có chửi mình không.
Ngoại ngữ
Tiếng Anh ở Nhật là một xa xỉ ngữ. Cả ngày đi vào khách sạn, rồi sang mấy siêu thị to đùng đùng, hàng trăm nhân viên mà chỉ có một cô bé nói được tiếng Anh bập bõm, cô ấy nói như mây bay, mình đứng nghe mà ngẩn ngơ, cuối cùng cô phải viết ra giấy để mình hiểu là cô nói gì. Đi ngoài đường, tay cầm tấm bản đồ trích ngang, hỏi đường vào siêu thị, ai cũng nhiệt tình chỉ đường, thậm chí đến văng cả bọt mép, nhưng vẫn là tiếng Nhật. Mình thì một chữ Nhật bẻ đôi cũng không biết. Nhân viên lễ tân khách sạn thì nói một câu nửa Anh, nửa Nhật(họ nói riêng với nhau để giải thích cho mình), nên cũng không khá hơn gì. Tóm lại “body lenguage” cho thành thạo vẫn là số một. Có nói tiếng Anh hay tiếng Việt thì họ đều hiểu như nhau.
Siêu thị
Nhân viên bán hàng rất nhiệt tình và vui vẻ, tôn trọng khách hàng hết mực. Kể cả người Nhật lẫn người nước ngoài. Khách ngoại quốc mua hàng siêu thị được miễn thuế. Nhưng do không hiểu ngôn ngữ nên cũng bơ phờ. Mình mua mấy món hàng, đưa đến thanh toán, họ xem hộ chiếu rồi trừ thuế xong thì máy báo là chưa đủ tiền mua để trừ (hình như phải trên 6000 yên), nên máy hiển thị dòng chữ cần mua thêm 1860 yên mới đủ. Mình chạy đi một hồi, chọn được món hàng 1900 yên, quay lại đưa cho cô nhân viên, cô tươi cười, đưa vào tính tiền, cô loay hoay một hồi, thấy cứ tính tới tính lui, thì ra vẫn thiếu 182 yên. Cô chỉ vào máy bảo mình đọc (tiếng Anh) chứ cô không hiểu. Mình lại chạy đi khắp siêu thị, lùng nửa tiếng mới được một món hàng 200 yên mang về. May là đủ để trừ thuế. Báo hại, máy và cô nhân viên chẳng nói trước là chí cần lấy hàng lớn hớn 10% của số tiền thiếu thì mấy cũng được. Toát hết mồi hôi trong cái nhiệt độ 16 độ C.
Đi lại
Từ sân bay Narita về đến khách sạn phải đi xuyên qua cả thành phố Tokyo. Thành phố rộng lớn mênh mông. Đi cả buổi chỉ thấy 3 chiếc xe mô tô, còn lại là ô tô. Chẳng thấy người đi bộ đâu cả. Đến khi xuống xe rồi mới biết nãy giờ mình chạy trên đầu họ, cứ tưởng chạy trên mặt đất chứ. Cả thành phố toàn thấy đi bộ, đi bộ và đi bộ. Phụ nữ thì mặc đủ kiểu, còn đàn ông thì hầu như chỉ comple, cà vạt và xách một chiếc cạp đen, chỉ có một số thanh niên, chắc là sinh viên, mặc free style. Mọi người đều đi nhanh và ít trò chuyện. Các quán cà phê lác đác người ngồi. Chiều xuống, mình ghé vào một quán cà phê và hỏi “milk coffee” nhưng chẳng ai biết. Cuối cùng chỉ đại vào một loại cà phê có dán hình sẵn trên thực đơn. Họ rót cho một ly cà phê nhạt, không đường, bắt khách uống. Thôi thì cứ coi như là cà phê Tokyo là vậy. Ngồi cả tiếng đồng hồ trong cái lạnh 12 độ C ngắm nhìn người đi lại. Các ngã tư đều có lối đi qua đường trên cao hoặc đi ngầm, những thỉnh thoảng cũng có một vài anh chị chạy ào qua đường như ở ta. Người Nhật cũng không cao to lắm, phần lớn là trung bình như mình. Ai đó nói người Nhật cao lớn hơn ta là nói quá. Mình thấy rất nhiều người cũng nhỏ con. Đặc biệt là rất nhiều cô gái bị hô răng, nhất là hai cái răng cửa trên toàn nhô ra mà dân ta quen gọi là răng thỏ. Do trời lạnh nên mọi người đều đi giày chống lạnh to tổ bố như cái vại, chẳng thấy mấy ai đi giày mốt. Họ cắm cúi đi nhanh một cách vội vã. Điều đó làm mình nghĩ đến dân ta cứ nói không cho dùng xe máy thì người nghèo biết lấy gì đi lại để kiếm sống. Thực ra, người Nhật cũng bình thường chứ không phải giàu có gì. Họ đi làm lĩnh lương, chi tiêu sinh hoạt, đi lại bằng tàu điện, xe buýt, là cũng vừa đủ. Do đó, có lẽ nên nói rằng dân ta bảo thủ và ngụy biện cho bản thân quá nhiều thì đúng hơn.
Ăn uống
Các món ăn Nhật ở bàn buffet đều bình thường, mấy đứa trong đoàn kêu khó ăn nhưng mình thấy ngon hết, ăn hết đĩa. Các món họ nấu cũng đủ kiểu như ở VN. Không béo và nêm khá vừa miệng. Các nhân viên nhà hàng và quản lý rất nhiệt tình và niềm nở. Tuy vậy nét khó chịu thể hiện ngay khi khách làm đổ thức ăn xuống sàn nhà. Người quản lý dùng tay không nhặt từng tí thức ăn cho vào một cái đĩa và đem đổ vào thùng đựng đồ ăn thừa. Thấy mọi người ăn hết chứ không bỏ dư lại như người TQ ăn ở ta và thậm chí người ở ta cũng nhiều khi lãng phí như vậy. Các quán ăn ở các cửa hàng nhỏ cũng đầy đủ dụng cụ như ở khách sạn nhưng không nhiều bằng. Các món ăn thì hơn nửa được chế biến từ hải sản, chủ yếu là cá. Đây có lẽ là một đặc điểm cơ bản của người Nhật chăng, họ ăn cá nhiều hơn những nơi khác. Và trên bàn có cả món cá chín, cá sống đủ cả, nhưng ăn với mù tạc thì mùi cá chín đã bay đâu hết. Nói chung là không thấy khác ở VN gì lắm về chuyện ăn uống.
Taxi
Taxi của Nhật cũng không như Việt Nam. Các tài xế không biết tiếng Anh nên đừng nói chuyện với họ mất công. Tài xế chạy xe rất chiến, nhanh và làm chủ tốc độ tuyệt vời. Nhưng đặc điểm là phần lớn tài xế đều là người già hay trung niên. Mình chưa thấy taxi đón khách dọc đường mà chạy về tập trung ở một bãi xe taxi nhất định, thẳng hàng thẳng lối. Và nếu bạn muốn đi xe taxi thì hãy lên chiếc taxi đỗ đầu tiên, còn nếu bạn chui vào chiếc taxi đỗ sau thì tài xế hoặc là kéo bạn lên chiếc đầu, hoặc là cứ để bạn ngồi chờ cho đến khi các chiếc xe theo thứ tự đi hết rồi mới đến lượt bạn. Có điên không cơ chứ. Toàn bộ xe taxi đều là xe dạng Toyota Crown đời cũ vuông vắn, nhưng bên trong rất sạch sẽ và chạy rất êm.
Tàu điện
Tokyo không có tàu hỏa như VN. Phòng ở của mình nằm ngay cạnh ga Hachioji, là một ga rất lớn của Tokyo, có khoảng hai chục đường tàu xen nhau. Cả buổi tối mấy thằng ngồi uống bia, ngắm nhìn nhà ga xem tàu và hành khách đi lại. Những chuyến tàu của Tokyo không dài lắm (không như Mỹ, đoàn tàu dài đến hơn 100 toa), tàu ở Tokyo chỉ từ dăm toa đến hơn chục toa là cùng. Tàu chạy không bao giờ nghe tiếng còi hụ nào như tàu VN. Trung bình một phút thì có một đoàn tàu vào hay rời ga, nên người đi tàu cũng vội vã chạy như vịt. Để mai mình đi tàu một lần cho biết. Nhà nước xây dựng đường sắt, còn có 3 công ty tranh nhau kinh doanh chạy tàu, và người đi muốn đi tàu công ty nào phục vụ cũng được. Họ cạnh tranh dịch vụ rất quân tử. Tuy vậy, nếu bạn là người đi tàu lần đầu thì cũng hết sức chú ý nhầm tàu. Đấy, nãy giờ ngồi viết có mấy phút mà đã hơn chục chuyến tàu chạy qua rồi. Tokyo cũng có tàu nhanh, nhanh vừa và tàu chậm (tàu chợ). Đi tàu nhanh thì rất nhanh, mà đi tàu chợ thì cũng rất chợ, nhưng giống nhau của cả ba loại tàu là độ chính xác đến từng giây. Hai đoàn tàu cùng chạy trên một đường ray, nhưng mình thấy đoàn tàu chạy chạy nhanh vừa khởi hành trước, tàu nhanh khởi hành sau, chạy trên hai ray và nhập lại với nhau khi ra khỏi ga, đoàn tàu nhanh chỉ chạy vượt tàu nhanh vừa khoảng một toa xe khi nhập ray xong. Le lưỡi, kinh quá, thấy mà hãi. Vé tàu thì dùng thẻ từ quẹt để ào ga. Người ta không tính tiền bạn ngồi trên tàu bao lâu mà chỉ tính tiền theo khoảng cách ga lên, ga xuống. Nói bậy chứ nếu có ông nào đó vô gia cư, ổng quẹt thẻ lên tàu rồi cứ ở trên đó cả tháng thì tàu cứ chạy mà không trừ tiền của ổng. Bạn đi cả vòng tàu rồi xuống lại ga cũ để xem thì không biết nó sẽ trừ tiền như thế nào, chắc là không. (chiều đi thử coi đã). Như vậy là đã bắt đầu một ngày thứ hai ở Tokyo.
Internet
Internet ở siêu thị thì miễn phí, ở khách sạn thì có mật khẩu và mật khẩu tạm (cấp 2), nghĩa là mật khẩu để bạn dùng trong thời gian bạn lưu trú, nó sẽ bị xóa khi bạn trả phòng về. Tốc độ mạng thì rất nhanh, gọi video về nhà thoải mái. Tuy vậy, cũng có thể do nhà mạng hai bên nên cũng có lúc chập chờn cuộc gọi hình. Nhật chẳng cấm đoán gì về chuyện sử dụng internet.
Đọc sách, nghe nhạc
Mặc dù internet rất mạnh và truy cập thoải mái, nhưng trên tuyến phố khoảng một ki lô mét mình đi bộ qua, có ba nhà sách rất to và một tiệm đĩa CD-DVD rộng mênh mông, trong đó bán đầy sách, đĩa. Người đọc và mua đĩa vào ra rất đông. Đặc điểm hơi khác là sách Nhật rất chú trọng hình thức. Đồ họa lòe loẹt và giấy rất bóng, lôi cuốn người xem cực kỳ. Người vào mua có cả từ thanh niên đến các cụ già lão. Ai cũng chăm chú đọc và lựa chọn. Người ở đây ít dùng smartphone như người mình, bằng chứng là họ đều có nhưng lo mãi đi nên chẳng ai rảnh mà cứ cắm mặt vào điện thoại cả. còn vào nhà sách thì mãi mê đọc, đọc và đọc. Nhật là xứ sở đủ mọi loại văn hóa, nhưng của hàng đĩa lại bình thường và không có bày bán những nội dung nhạy cảm như ở các chợ vùng biên TQ, cạnh VN.
Phòng khách sạn
Phòng KS rất sạch sẽ và tinh tế đến từng chi tiết. Loại 4 sao thôi nhưng đẹp và lôi cuốn cảm tình người ở. Trong phòng toàn dùng ổ cắm dẹt; báo hại mấy cái cục sạc của mình dùng chân tròn nên không dùng được. Hơn nữa, cả phòng chỉ có hai ổ căm, một trong toa lét và một ở cạnh cửa, nên khá bất tiện. Tường thì treo bức tranh mà chẳng biết nó vẽ cái gì. Trong phòng có 2 máy điện thoại, một cái cố định để gọi lễ tân, một cái như iphone dùng để truy cập internet và gọi điện thoại dịch vụ như viber, zalo… đi đến các nước khác miễn phí. Có một số thứ không biết dùng làm gì. Đinh mở ra coi và phá thử nhưng nhác. Có điều hơi lạ là phòng ở có đèn chân, dùng để tìm dép cho nhanh mà không ảnh hưởng đến người đang ngủ. Còn dép thì cũng rất đơn giản, một tấm giấy dày hay đại loại vậy dùng làm đế, trên khâu thêm hai miếng vải bông mỏng là ra đôi dép đi trong phòng, nhẹ và ấm chân. Một vài tiện nghi khác như giấy mịn, sách hướng dẫn du lịch thì cũng bình thường. Còn gương thì có cả gương thường, gương phóng to để nặn mụn (chắc vậy). Hi hi, nói tóm lại thì cũng chưa thấy nên chê nó cái gì cho rõ ràng. Thôi thì để ý xem vài ngày nữa rồi nói luôn.

NGÀY THỨ HAI
Đại học KOGAKUIN
Người Nhật có một quan điểm rất hay: CHÍNH PHỦ HẠNG BA THÌ KHÔNG THỂ CÓ CÔNG DÂN HẠNG NHẤT. Điều đó thôi thúc tất cả mọi người sống và làm việc một cách quyết liệt. Ta không có ý định phê phán hay khen ngợi thái quá, nhưng nhìn những gì người Nhật làm được thì không thể tự mình cảm thấy bình thường nếu nhìn lại mình.
Trường đại học KOGAKUIN nằm ở một vị trí rất thơ mộng; trên sườn một dãy núi không cao lắm nhưng đủ cả rừng cây xanh tốt. Bây giờ Tokyo đã sang cuối mùa thu; cây cối trong khuôn viên trường bắt đầu chuyển màu lá sang vàng và đỏ; sắc màu đặc trưng của cây cối miền ôn đới. Nhìn những hàng cây yên lặng trong nắng sớm, nắng chiều, chợt thấy tâm hồn thư thả đến lạ. Trường đại học có khoảng 6000 sinh viên và khoảng 150 giáo sư; nhưng phụ nữ rất ít, chỉ có dăm người là giáo sư nữ. Ở Nhật phụ nữ ít đi làm mà chủ yếu là ở nhà nội trợ. Nhưng Nhật lại là nước có tỉ lệ ly hôn thuộc hàng thấp nhất thế giới. Những tòa nhà của trường Kogakuin trông rất bắt mắt và hòa hợp với phong thái làm việc nghiên cứu khoa học. Nhìn những ngôi nhà thẩm mỹ và rất chắc chắn, không lòe loẹt hay biểu hiện xuống cấp. Tuy vậy, mình gõ tay vào những bức tường, khung ngoại cửa sổ, tất cả đều là bằng thép và gỗ công nghiệp. Cầu thang cũng làm bằng thép và lót nỉ, lan can kính, nên cứng cáp và nhẹ nhàng. Nếu tính chi phí một tòa nhà như vậy so với một tòa nhà ở Việt Nam thì ở Nhật chắc chi phí xây dựng chỉ bằng một phần ba( ở Mỹ năm 2012 mình sang cũng vậy, khách sạn 9 tầng nhưng chí có tầng một là xây để chống mối, còn lại là toàn gỗ công nghiệp, tường hai lớp gỗ, sàn gỗ trải nỉ…). Kiến trúc bên trong rất hiện đại nưng thực tế lại rất rẻ, vì mọi thứ đều là bằng nhựa và gỗ công nghiệp: chậu rửa, vệ sinh, bàn ghế, trần, ốp tường, dụng cụ khác… gõ tay vào cứ kêu bộp bộp. Chả trách gì người Nhật đã giàu có mà cái gì cũng chi tiêu ít; xe riêng thì rẻ, người dân toàn đi xe buýt và tàu điện nên cũng rẻ bèo, ăn uống thì có bữa mình ra tiệm ăn một bữa thử, hết 300 yên, khoảng 60k tiền Việt mà cả chén cơm to và hơn chục món đồ ăn, lại sạch sẽ nữa.
Giảng đường
Trường Kogakuin có hệ thống giảng đường rất đẹp, trưa nay mình vào nhầm phòng hội nghị, nên mở cửa và cứ tự nhiên đi vào một lớp học, mình thấy lạ là một ông giáo sư già đang đứng giảng bài trên bảng cho hai sinh viên học, mình chột dạ bảo sao hội nghị mà chỉ có một giáo sư trình bày còn chỉ có hai sinh viên ngồi nghe. Ông giáo sư hơi bất ngờ và nói một câu tiếng Nhật nên mình không hiểu, mình chỉ xin lỗi vài lần rồi mở cửa lủi mất. Hú hồn! Các lớp học tận dụng ánh sáng tự nhiên hết cở nên tường toàn làm bằng kính và có cửa sập. Lớp học thì tự động tắt điện khi không có người. Mình thấy một lớp học trống, định vào xem, vừa thò đầu vào cửa thì cả hệ thống điện tự động bật sáng choang.
Khuôn viên
Trường đại học có nhiều bãi cỏ, cỏ thật như kiểu cả gà ở ta thôi chứ không màu mè gì. VN tự dưng đi mua cỏ kiểu của Nhật về trồng vừa đắt mà lại mất công chăm bón, trong khi Nhật chỉ dùng cỏ gà tự nhiên là đẹp rồi. Trên bãi có họ thả một khu một con rô-bốt như cái lồng bàn, màu đen. Con robot cứ chạy cả ngày ngang dọc lung tung trên bãi cỏ, dưới bụng nó có một cái dao cắt hình đĩa quay tròn, cách mặt đất khoảng 3cm, có ngọn cỏ nào ngoi lên là nó xén hết. Con robot khá thông minh, hết điện nó tự động chạy đi tìm cổng nguồn điện, được bố trí ở một góc tường, và nó đến đó tự chui đầu vào ổ cắm, nằm chờ cho đến khi đầy điện lại chạy ra làm việc tiếp. Nó cứ chạy vậy quanh năm suốt tháng, bất kể nắng mưa. Chỉ có khi trời tuyết nhiều thì họ mới cho nó nghỉ.
Phòng thí nghiệm
Được các giáo sư dẫn đi tham quan các phòng thí nghiệm trong trường, khu căn tin, thư viện… Mình rất thích hệ thống phòng thí nghiệm của trường. Thật ra thì cũng có phòng toàn máy móc hiện đại như trung tâm thí nghiệm Micro-Bio Technology, còn lại những phòng khác thì cũng có phòng thiết bị cũ, sinh viên, nghiên cứu viên làm việc khá bừa bộn. Thư viện thì rất yên lặng và nhỏ hơn nhiều so với Trung tâm học liệu của ĐHBK Đà Nẵng. Được cái bố trí bàn ghế, chỗ thư giãn rất dễ thương nên sinh viên đã ngồi vào đó là tập trung chuyên tâm học chứ không ngồi tán gẫu hay chơi điện thoại, máy tính.
Sinh viên
Do số lượng sinh viên không nhiều nên cũng không thấy sinh viên đi học hàng đoàn như ở DUT. Ở trường không thấy có kí túc xá, và xung quanh trường trồng hoa, cỏ chứ không cho các hàng quán thuê bán nhốn nháo như ở ĐHBK. Nói thật chứ cứ láo nháo cà phê, ăn uống, láng cháng cả ngày như ở trường mình thì cũng chỉ tạo cho sinh viên ăn chơi thôi chứ học hành gì được nữa. Sinh viên mặc không gò bó trang phục lắm, đa số là màu đen. Nói chung ai muốn mặc gì thì mặc, nhưng không thấy phản cảm tí nào, cả nam lẫn nữ. Chỉ có điều là sinh viên nữ hay nhuộm tóc, còn nam thì hay để tóc dài bờm xờm. Sinh viên đi học cũng mỗi đứa một cái ba lô, và nó ngồi bất cứ chỗ nào nó thích. Khi nào cần vào lớp thì mới vào.
Hội nghị
Mang tiếng là đi hội nghị, nhưng mình lại đẩy vào thế trưởng đoàn, thành ra phải báo cáo đến 40 phút. Run như cầy sấy. Giữa hội trường đấy người đến từ nhiều nơi: Nhật, Mỹ, Namibia, Đài Loan, Trung quốc, Hàn quốc, chẳng có ai biết chút tiếng Việt. Mấy đứa em thì ngồi dưới, mà không lẽ mình hỏi nó, nên phải tự thân vận động. Bài thuyết trình về ĐHBK và định hướng nghiên cứu mới, nói mãi cứ tưởng chưa hết giờ, ai dè ông chủ tọa chờ không được, phải đến chặn mình lại, vì mọi người ngồi chờ lâu quá, mình mới biết là đã vượt hơn 20 phút. Ủa, tiếng Anh của mình chỉ có vài chữ lõm bõm, mà mình nói trôi chảy cả buổi, cứ tưởng không đủ mà lại quá giờ, lạ thật!. Nghe cậu Vân nói mấy thằng Đài kêu anh Mai nổ nhiều quá, chuyện!, cả đời được mang chuông đi đánh xứ người thì phải đánh cho nó kêu chứ. Mà mình nói đây là định hướng để nghiên cứu chứ có nói là đã nghiên cứu đâu. Cho chúng nó nghe để chúng nó sợ. Vả lại nếu ĐHBK tạo điều kiện làm được thì quá tốt.
Buổi trưa lại được mời cơm ăn, tối lại tiệc đứng. Ăn cả ngày, toàn đồ Nhật. Ăn xong chẳng biết có ngon không nữa vì đã quá quen mới đồ ăn xứ lạ không hợp khẩu vị tí nào. Thôi thì gắng ăn để về Đà Nẵng có sức mà chén cơm vợ nấu.
Giáo sư
Đón tiếp đoàn giảng viên các trường đại học đến hội nghị là các giáo sư của Kogakuin University. Các giáo sư rất vui vẻ và nhiệt tình. Ngoại trừ các GS của các khoa và LAB, riêng ngài GS Santo, hiệu trưởng của trường, buổi làm việc nào cũng có mặt. Những buổi tiệc tối (party) ông đều đến rất sớm và chờ mọi người, bao giờ ông cũng về sau cùng (không như ở VN, sếp toàn đến muộn và xin lỗi. Ngồi một tí sếp lại xin phép đi về vì bận). Tác phong của hiệu trưởng rất bình dân; nhiệt tình, cụ thể, chi tiết đến nơi đến chốn. Đoàn Đà Nẵng hát tặng một bài hát “Đà Nẵng ơi tình người” giữa bữa tiệc sau màn giới thiệu. Moi người đang ăn đều bỏ đũa thìa, đứng yên nghe chăm chú. Sau đó ông Santo còn hỏi cô giáo hát bài đó về ý nghĩa của bài, ông bắt cô giải thích cho đến khi ông hiểu mới thôi. Các giáo sư khác dẫn mọi người đi tham quan phòng LAB của họ và giới thiệu công việc nghiên cứu cụ thể, toàn là những phòng nghiên cứu nổi tiếng. Nhưng ông giáo sư nào cũng nhiệt tình và tâm huyết như nhau. Có lẽ đạo đức con người và xúc cảm, thấu cảm đã thấm sâu vào trái tim họ chứ không có một chút gì xã giao cả. Buổi tiệc cuối cùng, GS, hiệu trưởng Santo đứng lên cảm ơn mọi người, hẹn gặp lại ở hội nghị tiếp theo. Và câu nói cuối cùng của ông mà mình vô cùng tâm đắc: “ Xin mọi người đừng quên chúng tôi”. Trời ạ, một đất nước hùng mạnh, một GS đầu ngành mà nói câu đó với VN, Philipines, Namibya thì có bị nhầm không? Chúng tôi làm sao mà quên được. Người Nhật khiêm tốn quá chừng.
Người Việt Nam
Đi đâu thì người VN vẫn là người VN, qua Mỹ, qua Nhật đều thấy vậy. Cứ xuống xe hay tàu là đổ xô ngay vào siêu thị mua đồ. Không biết đến một buổi ngồi nhâm nhi li cà phê trên đường phố, ngắm mọi người qua lại, cảm nhận được không khí náo nhiệt của một đất nước phát triển. Cũng không ghé vào một phòng tranh, từ tốn ngắm nhìn các tác phẩm nghệ thuật để thấy được văn hóa, lối sống của người ta qua hàng ngàn năm hay đứng nhìn thật kỹ một cố gái bán hàng để thấy được cung cách phục vụ thượng đế như thế nào. Nói tóm lại là người VN đi đến đó, họ không cần quan tâm người Nhật, người Mỹ có những cái gì truyền thống hay, dở, không cần cảm nhận tính nhân văn, bản chất, cốt cách chính của người bản địa thế nào. Chỉ quan tâm mua sắm, mua sắm và mua sắm. Sau chuyến đi của họ là bạn bè, đồng nghiệp, gia đình lớn nhỏ đang chờ đợi: Quà Nhật đâu?!.
Hạ tầng
Hạ tầng của Tokyo thì khỏi nói. Ai cũng biết đến Tokyo, dù chưa bao giờ đến, đó là thành phố của tàu điện ngầm, tàu điện nổi, xe hơi, các tầng đường đi lại chồng nhất lên nhau, những cao ốc chọc trời… Mình đi trên trường từ sân bay Narita về đến Hachioji, khoảng cách hơn trăm km, cứ tương đi trên đường như VN, nhưng có đoạn tự dưng đường trống thành che, nên thấy bên dưới là người đi bộ. Hóa ra là toàn đi trên đầu họ, hèn gì không thấy bóng dáng ai đi bộ hay đi xe máy, xe đạp cả. Người Nhật tạo ra xe máy Honda, Yamaha, Suzuki… nhưng là để cho người dân các nước khác đi, còn họ toàn đi bộ, xe đạp và phương tiện công cộng, thỉnh thoảng lăm mới thấy có một chiếc xe máy chạy trên đường. Ngày đi tham quan, được đi đến trung tâm Tokyo, leo lên tháp Tokyo cao 333 mét, cao hơn tháp Effel 13 mét. Nhưng chỉ được lên đến độ cao 150 mét để ngắm nhìn xung quanh thành phố mà thôi. Còn khu rừng (Tokyo rất nhiều rừng) thì cây cối bạt ngàn và to nhỏ đủ kiểu, chim chóc bay và đậu đầy cây. Đi tàu trên sông để thấy thành phố được rộng hơn, thoáng hơn, để có cái nhìn tổng thể hơn. Trên sông đủ thứ chim bay lượn và bơi lội: vịt trời, thiên nga, và nhiều loại lớn nhỏ mình không biết tên, nước sông sạch và không thấy những vỏ bao ni lông, vỏ chai, lon nổi lềnh bềnh như ở mình. Nếu mà ở VN thì làm gì còn chim nữa, tất cả vô nồi hết! Chỗ này thì dân Nhật dại dột quá, ai lại lãng phí của trời như thế kia chứ, tốt nhất là qua đây VN bày cho ăn nhậu, ăn để thưởng thức chứ sao lại cứ giữ gìn như vậy làm gì, cứ một câu “thời cô/chú thế là thôi rồi, tương lai trông mong vào các cháu” là xong.
Nhân viên
Nhân viên đây là nhân viên của trường Kogakuin. Trực tiếp làm việc liên lạc với đoàn VN trước khi đi là Yoko Nakamura. Cả mùa làm việc với cô ấy mà mình cứ tưởng ông nào. Khi sang tận nơi, gặp mình mới há hốc; một cô gái nhỏ nhắn, nhưng nhanh nhẹn như một con chim sâu, tất cả việc liên lạc, phục vụ cho các đoàn đều do một mình Yoko đảm nhiệm. Cô cũng đã có gia đình, hai đứa con gái, một đứa 8 tuổi và một đứa 3 tuổi. Phần lớn phụ nữ Nhật khi có gia đình thì ít đi làm, mà ở nhà nội trợ. Mỗi sáng trước khi chồng đi làm, người vợ chuẩn bị cho chồng một hộp cơm đủ mọi món ăn, sau đó đến chăm sóc con cái. Chỉ khi nào con lớn thì một số mới đi làm lại. Nhưng Yoko thì đi làm liên tục. Từ sân bay về chỗ ở đi mất 2 giờ taxi hoặc xe buýt, tàu điện. Mỗi ngày đi đón hai đoàn đến Yoko đã mất 8 giờ chạy trên đường. Hôm nào cũng mười giờ đêm cô mới đón tàu điện về nhà trong cái lạnh của Tokyo ban đêm là 10 độ. Sáng dậy, mọi người ăn sáng xong thì đã thấy cô đứng chờ ở sảnh để phát chương trình và hướng dẫn công việc. Ngày về, mới 5 giờ đã thấy Yoko đến chờ sẵn, đến 6 giờ xe chạy thì cô lại tiếp tục đến trường. Chẳng biết cô chăm sóc chồng con như thế nào nhỉ. Trường mình mà phái một cô làm liên tục 8 ngày như vậy chắc cô la làng chịu không nổi. Nhưng đối với Yoko thì đâu chỉ có một hội nghị này, mỗi năm có hàng chục hội nghị như vậy.
Chi phí
Khách sạn ở Tokyo thì rất đắt, chắc ai cũng biết, hơn vài trăm đô la tiền ở mỗi ngày, các bữa ăn sáng, trưa, tối tính riêng. Tất cả các đoàn đến hội nghị đều được trường bao ăn ở toàn bộ suốt 8 ngày(đối với học viên) và 5 ngày (đối với giáo viên), tổng cộng tất cả gần trăm người, không biết chi phí cho phần hội nghị bao nhiêu nữa, ngày đi du lịch toàn thành phố Tokyo, vé tham quan, chi phí phụ họ đều làm sẵn từ bao giờ, mình chỉ việc đến đó và đi theo hương dẫn của họ là xong. Vậy mà trường bỏ ra toàn bộ. Nếu hội nghị này mà tổ chức ở VN với quy mô như vậy chắc cả trường chạy đi vận động tài trợ mệt nghỉ mà chưa chắc đã được hay chưa.
Truyền thống
Không có thời gian đi hết nhiều địa điểm tham quan của Tokyo trong một ngày. Nhưng được trải nghiệm những tinh túy của người Nhật thì có. Đầu tiên là làm đèn lồng, người Nhật gọi là lantan,(thực chất là lantern). Vào đó mỗi người được phát cho mỗi cái đèn bằng giấy phôi, mọi người thi nhau vẽ trong vòng 5 phút, vì còn ra cho đoàn khác vào nếu có. Vẽ xong, cô du lịch viên hướng dẫn mọi người tháo ra, gói lại và đem về làm kỷ niệm. Vào uống trà matcha, cũng được cô du lịch viên hướng dẫn mọi chi tiết và mọi người cứ thế làm theo. Các cô gái Nhật mặc kimono, họ không phải là xinh lắm nhưng nói năng rất nhẹ nhàng, nói thoăn thoắt như máy. Bộ kimono trông cồng kênh vậy nhưng lại giúp cho họ di chuyển rất dễ dàng và uyển chuyển. Không hề gò bó một tí nào.
Trẻ em
Có lẽ cái này thuộc về cảm nhận nhiều hơn. Mình đi vào một siêu thị, thấy một người mẹ đang chọn hàng, đứa con trai tầm 4 tuổi cứ loanh quanh chiếc xe đẩy chờ mẹ. Có lẽ vì nóng ruột quá mà cậu không chịu được nên bắt đầu lấy tay nghịch những mặt hàng áo quần. Bà mẹ trẻ chỉ nói hai ba câu gì đó là thấy cu cậu đứng vào giữa hai cần xe đẩy và yên lặng chờ mẹ, mặc dù hai chân cứ ngọ nguậy. Ngoài đường thì buổi sáng và buổi chiều học sinh đi học rất nhiều, nhưng toàn đi bộ và xe công cộng, cũng có một số đi xe đạp, đẹp trên vỉa hè. Không được dựng xe lung tung mà trên đường phố có những cái hốc, đó là chỗ dựng xe. Các học sinh nam thì mặc đủ kiểu, riêng học sinh nữ thì chỉ một kiểu là áo khoác đen, váy đến ngắn quá gối và không đi tất dài. Lũ trẻ cứ đi vậy trong thời tiết lạnh. Nhật Bản không cho cha mẹ đưa đón con, vì làm như vậy sẽ nảy sinh tâm lý phân biệt giàu nghèo trong đầu đứa trẻ, do cha mẹ mỗi người dùng mỗi phương tiện khác nhau. Những lớp mẫu giáo thì có xe buýt đưa đến trường theo tuyến chứ không thấy chúng chạy lon ton ngoài đường bao giờ. Học sinh và người Nhật nói chung cực kỳ tuân thủ luật giáo thông, đếm cuối cùng ở Tokyo, mình đi dạo phố đến hơn 12 giờ đêm, chứng kiến nhiều ngã tư có đèn đỏ, dù hai bên đường không có một bóng xe cộ gì, nhưng họ vẫn đứng chờ cho đèn xanh thì mới băng qua. Học sinh đi ngoài đường thì lo cắm cúi đi, không có kiểu vừa đi vừa cúi mặt xem điện thoại. Có lẽ chúng rất bận, vội đi kẻo trễ xe, trễ tàu, trễ lớp học.

Cảm nhận cuối cùng
Cũng hơi dông dài về Nhật bản, có lẽ nên tạm dừng
Phần lớn chúng ta hay thán phục: người Nhật giỏi thật, sau chiến tranh thế giới thư 2, đất nước bị tàn phá kiệt quệ, đói kém như vậy (những ai đã đọc “Totochan – cô bé bên cửa sổ” thì hẳn biết điều đó), nhưng người Nhật đã tự đứng lên, bắt tay chặt chẽ với Mỹ để học hỏi và xây dựng đất nước lớn mạnh thành một nước có nền kinh tế đứng ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Đó là một thói quen nhìn nhận. Ta không nhấn mạnh vào điểm đó của con người nói chung, vì đó là những thứ đập vào mắt đầu tiên: những tầng đường, cao ốc, giao thông hiện đại, tiện nghi… và sự nhận thấy như vậy không có gì là sai sót trong đánh giá cả.
Nhưng bản chất vấn đề nằm ở chỗ khác: Ta hãy đứng ra xa một chút và đừng nói “người Nhật giỏi thật!”, hãy thôi kể về những gì họ làm được mà hãy hỏi “Tại sao họ làm được như vậy?”. Gốc của tất cả sự thay đổi đó chính là: GIÁO DỤC và CHÍNH PHỦ.
Nếu chỉ có “Chính phủ hạng ba thì không thể nào tạo ra những công dân hạng nhất”, quan điểm này thật là sắc sảo và là kim chỉ nam cho tư duy làm việc của nhà nước. Chính điều đó ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục của các nước phát triển. Mỹ và Nhật tập trung vào giáo dục con người tối đa từ khi còn nhỏ cho đến khi trưởng thành. Sự giáo dục không tập trung chỉ vào trí tuệ, mà tập trung vào đạo đức, cảm xúc, nhân cách để con người có thể chung sống với nhau một cách thành thật nhất. Singapore cũng nhận thức điều đó sớm và làm được. Thay vì chỉ tập trung vào học kiến thức, hãy cho trẻ được học về cách yêu thương, cách cảm xúc trước những hoàn cảnh, thấu cảm được những đau khổ, khó khăn của người khác.
Những cái bắt tay, cúi chào của người Nhật, những sự nhiệt tình trong công việc; sự quí mến tiếp đón đồng nghiệp không xuất phát từ tính ngọai giao mà xuất phát tự nhiên từ trái tim con người; những lời nói không mang tính giả dối mà nói sao làm vậy; những công trình công bố hoàn toàn của mình tự nghiên cứu ra, không ăn cắp, sao chép; sự khiêm tốn của kẻ mạnh, v.v… Tất cả những điều đó đều dễ dàng làm được khi con người được giáo dục bởi một nền giáo dục chân chính và không vụ lợi cá nhân.
Không phải cứ có nhiều tiền thì sẽ làm cho đất nước mạnh mẽ lên. Đúng là tiền là yếu tố cần, nhưng thực tế đã chứng minh là có nhiều tiền(kể cả đi vay), khi đặt vào tay một người không được giáo dục  đều mang lại những hậu quả hơn là hiệu quả, bởi cách sử dụng tiền vô cùng quan trọng hơn là có nó.
Những hành vi, cư xử của người Nhật thực tế cho mình thấy sự cẩn thận trong giáo dục của nền giáo dục Nhật Bản. Nếu được giáo dục tốt từ nhỏ cho đến khi xong phổ thông thì dù có đi đến đâu, bản chất của con người cũng rất khó thay đổi. Thường sau hai mươi tuổi là phẩm chất con người đã được hình thành rõ ràng và theo họ suốt cuộc đời, những thay đổi nhỏ chỉ là do ảnh hưởng của tương tác khách quan hoặc sức khỏe mà bị biến dạng mà thôi. Tất nhiên sự tác động theo thói quen đám đông cũng ảnh hưởng đến hành động nhưng tự trong lương tâm, mỗi con người đều tự cảm thấy điều đó và tự điều chỉnh hành động vào thời điểm khác. Tất cả sự bền vững của cuộc đời mỗi con người, tiến đến sự bền vững trong gia đình và ra ngoài xã hội đều không thể vượt ra khỏi sự kiểm soát của giáo dục lúc nhỏ.
Những công dân hạng ba luôn luôn mong muốn xã hội, mọi người xung quanh họ là hạng nhất để họ tự tin làm công dân hạng ba. Nhưng tiếc thay, điều đó mãi mãi là không thể.
Phá hoại nền giáo dục là cách tiêu diệt một dân tộc nhanh và độc ác nhất.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét