-
Thưa cụ, lần đầu tiên được yết kiến cụ.
Con xin chúc cụ mãi mãi mạnh khỏe và luôn rạng danh là người thầy mẫu mực của đất
Việt ạ.
-
Ấy chết, anh cứ bày vẽ, tôi chưa xứng được
như anh nói đâu. Mời anh ngồi.
-
Cảm ơn cụ ạ. Con nghe nói dạo này cụ cũng
có nhiều thay đổi trong cách nghĩ, cách nói, nên con đến đây để thọ giáo. Mong
cụ chỉ bảo.
-
Thôi, thôi. Tôi nghỉ nghề đã gần bảy thế kỷ
rồi. Kiến thức của tôi không áp dụng cho bây giờ được nữa. Nên chăng tôi chỉ có
thể nói chuyện với anh dăm câu chuyện trà dư, tửu hậu cho qua ngày thôi. Mong
anh đừng chê.
-
Ấy chết, cụ khiêm tốn quá. Con vẫn biết là
“Tiên học lễ, hậu học văn” của các cụ dạy.
-
Vậy anh hiểu câu đó như thế nào?
-
Đại để là trước hết, con người cần học lễ
nghĩa, phép tắc đã, sau đó mới đến học kiến thức. Con chỉ nghĩ đến vậy.
-
Để tôi bổ sung thêm cho anh một tí nữa. “Tiên
học lễ” là học lẽ nghĩa thì đúng rồi. Nhưng lễ nghĩa ngày nay nó không phải như
ngày xưa. Ngày nay không có vua, quan đúng nghĩa, nên cái lễ cũng có những điều
chỉnh cho hợp thời. Chữ Lễ được hiểu theo nghĩa rộng là “Kỹ năng sống” cho mọi
người. Đó là đạo đức, tính nhân văn, là văn hóa, là thái độ trong cuộc sống
hàng ngày v.v… nói tóm lại là học các kỹ năng để tồn tại, được người đời quí mến,
tôn trọng. Con “Hậu học văn” ở đây cũng là để chỉ kiến thức, nhưng là kiến thức
để con người vươn lên cùng nhau, chứ không phải tranh nhau. Nhiều người nhầm lẫn
mấy chữ này nên thành ra con cái khổ sở theo. Lễ bị dạy ngược, Văn bị quấy nhiễu.
Thành ra những điều đúng sai không còn được nguyên nghĩa. Buồn thay, buồn thay.
-
Vâng ạ, con đã hiểu điều cụ nói. Và có lẽ
cũng vì vậy mà chương trình ngữ văn ngày nay chỉ tập trung vào mấy tác phẩm
chính, còn lại là tùy cơ ứng biến. Các trường và giáo viên tự xác đinh biên diễn.
-
Lương sư thì hung quốc. Thầy cô giáo có
tâm tốt thì đất nước thịnh vượng. Một đất nước thịnh vượng thì người dân không
chỉ no ấm, mà còn không phải làm thuê cho nước khác. Cái no ấm thì vô chừng, nó
phụ thuộc định nghĩa của mỗi người. Nhưng cái làm thuê thì chỉ có một.
-
Là sao hả cụ?
-
Tôi đã gặp nhiều người nước ngoài đến đây
để học tiếng Việt, hoặc có thể họ học ở nước họ. Nhưng họ học tiếng Việt không
phải mục đích như ta học tiếng Anh. Chúng ta học là để tìm cách làm thuê, còn họ
học tiếng Việt là để tìm hiểu văn hóa, tính cách người Việt Nam, từ đó họ nghĩ
ra cách để thuê ta làm cho họ.
-
Cụ nói rõ hơn được không ạ?
-
Nếu nói hết thì dài lắm. Nhưng anh cứ hiểu
một cách nôm na là người Việt có nhiều thói xấu mà người ở nước văn minh không
nghĩ đến. Ví dụ như học sinh đi học thì thích chép bài của nhau, bài tập về nhà
cũng chỉ đợi bạn khá làm xong rồi chép lại để nộp, ngày nay còn có đoạn chép
trên internet xuống và cứ thế nộp luôn cho thầy cô. Người nước ngoài nhận thấy
sự kém tự trọng của người Việt, và họ ra sức lợi dụng nhược điểm đó để phân
tách công việc cho ta mà ta không làm gì được họ.
-
Cụ có thể cho thêm ví dụ khác nữa được
không ạ?
-
Có đấy. Ví dụ như coi nhà nước với nhân
dân là một. Cái đó không đúng. Nhà nước là nhà nước, nhân dân là nhân dân.
Chính vì nhầm lẫn mà họ cứ làm việc theo kiểu con ông cháu cha, chủ nghĩa người
nhà ra sức phát triển. Cái này xuất phát từ tư tưởng kiểu cũ từ lâu lắm rồi,
khi mà con người còn sống theo kiểu tập trung một chỗ để chia chung thì đúng,
nhưng khi đã tách riêng ai làm nấy ăn thì không còn đúng nữa. Vì vậy mà họ
không biết lấy của chung là sai, họ vẫn lấy vì nghĩ rằng đó cũng là của mình.
-
Cụ nói chuyện dễ đụng chạm quá. Ngày xưa cụ
đòi chém bảy quan đại thần trong triều. Đúng là không hổ danh cụ.
-
Tôi không đòi chém bảy quan đại thần, tôi
chỉ tâu chém bảy kẻ gian nịnh, phá hoại giang sơn, xã tắc. Lịch sử đã ghi nhầm
ý tốt của tôi nên tôi đã đề nghị họ sửa lại cho đúng từ ngũ.
-
Vậy cụ cho biết ý cụ thế nào về dạy dỗ con
cháu hiện nay ạ?
-
Con người cần được dạy dỗ cẩn thận từ lúc
còn nhỏ. Nếu không thì lớn lên khó uốn nắn lắm. Cái gì đem ra dạy cũng phải cụ
thể, chứ đừng thần thánh hóa ra kiểu người cao siêu quá như Thánh Gióng, Sơn
Tinh… không thể theo nỗi. Những bài học cần chỉ cho các con cháu việc tốt như
thế nào, việc xấu như thế nào để con cháu học theo và tránh sai sót. Thật bại
hiện nay là là dạy dỗ nhiều thứ quá nhưng cuối buổi học, tuần học, tháng học,
năm học, học sinh không còn biết định hướng đi đâu.
-
Vâng, con hiểu ý cụ.
-
Hơn nữa, giáo dục là một khái niệm rộng. Cần
chia nhỏ ra rất nhiều tiêu chí để thực hiện. Không thể nâng cao chất lượng giáo
dục được, mà chỉ có nâng cao các chỉ tiêu chất lượng giáo dục mà thôi. Đấy, nếu
họ chia nhỏ ra các chỉ tiêu như sức khỏe hàng ngày, buổi sáng, ban ngày, buổi tối
rèn luyện như thế nào… rồi dạy cho các cháu có phải hay hơn không? Hay học các
môn khác cũng vậy. Nhất là các môn tự nhiên, hầu như lên đại học thì học lại kiến
thức lớp 12, chỉ có nâng cao lên một chút thôi, ấy thế mà các cháu mất một năm
để học. Nên chuyển kiến thức ấy lên đại học rồi học luôn một lần, đỡ tốn kém thời
gian, công sức. Vì nói cho cùng, khi học xong phổ thông, những kiến thức ấy
không dùng làm nghề, nên bắt học thì tội nghiệp con cháu.
-
Thế còn mẫu giáo thì sao ạ?
-
Trẻ nhỏ thì cho chơi những trò chơi vô tư,
quan hệ hòa nhã với bạn bè, kính trọng người lớn. Biết phân biệt tốt là gì, xấu
là gì, biết bơi lội… Thế là đã rất tốt cho tồn tại. Con người cần tồn tại trước
rồi mới sống đúng nghĩa sau. Giờ tôi đi đón cháu tôi đây. Hẹn anh lúc khác nhé!
-
Vâng, con cảm ơn cụ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét