Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2018

PHỎNG VẤN CHÍ PHÈO


-         Chào anh Chí, anh khỏe không?
-         Chào chị, hãy gọi tôi là Chí Phèo, vì ở đời có nhiều người tên Chí lắm, dễ đụng chạm.
-         Vâng, anh Chí Phèo. Tôi biết anh đã lâu trong những buổi học, những thảo luận về tác phẩm có tên anh. Không hiểu anh có biết mình xuất hiện trong đó không?
-         Tôi biết một phần, vì tôi không phải là toàn bộ Chí Phèo trong đó.
-         Có nghĩa là sao?
-         Chị thấy đấy, Chí Phèo của Nam Cao (CPNC) lè nhè, chửi rủa cả ngày. Nãy giờ chị thấy tôi chửi không?
-         Ồ, tôi sơ ý quá. Tôi có thể hỏi anh vài câu để thực hiện mục đích cuộc phỏng vấn này của tôi?
-         Sẵn sàng thôi, nhưng nhanh nhanh để tôi còn về rửa bát, quét nhà đấy nhé. Nếu không mụ Thị Nở nhà tôi mà banh mồm ra thì cả cái làng này không ngủ được đâu.
-         Vâng, tôi hỏi luôn; chắc anh có nghe nói đến chuyện người ta xới lại chuyện cũ của anh mấy ngày nay chứ?
-         Có, tôi rất biết là đằng khác. Họ định lôi tôi ra để thủ tiêu.
-         Anh nói nghe ghê quá. Người ta chỉ nói đến khía cạnh không tích cực của anh đối với các em nhỏ thôi.
-         Vậy tôi hỏi chị nhé; trước đây chị có được học CPNC không?
-         Có, thời cha, mẹ tôi cũng được học về CPNC, học kỹ nữa là đằng khác.
-         Vậy cha, mẹ chị, rồi đến chị và chồng chị đều học CPNC và hàng chục triệu người Việt Nam đều đã học rất kỹ CPNC đó, thì có bị CPNC làm cho hư hỏng không?
-         Không, hồi đó chúng tôi được giáo dục trong một môi trường cẩn thận, nhân văn và đúng đắn.
-         Đấy, chị tự trả lời rồi đấy nhé. Vậy tôi hỏi chị: từ trước đến giờ các thầy cô dạy về CPNC có ai khen ngợi hành động của CPNC không?
-         Ồ, giờ tôi lại là người bị phỏng vấn. Thôi được, không có!
-         Thế CPNC có bị bạo hành tại nhà trẻ? Tại nhà cụ Bá Kiến, nơi CPNC làm việc không?
-         Câu này khó quá. Ngày ấy không có nhà trẻ. Còn CPNC không bị bạo hành tại nhà cụ Bá, mà là bị lừa để đẩy vào tù.
-         Thời Nam Cao người ta gọi là xã hội phong kiến thối nát. Tôi thấy dùng từ như vậy không đúng. Tất cả mọi xã hội đều đi theo thời gian và thực hiện sứ mệnh lịch sử của nó. Không nên dùng từ ngữ định kiến.
-         Có nghĩa là chúng ta chấp nhận xã hội thời đó là một giai đoạn của lịch sử? Tuy nhiên tôi chỉ muốn hỏi anh về ý kiến của mọi người nay như vậy, theo anh thấy thế nào?
-         Tôi thấy chẳng quan tâm thì hơn. Ngày xưa tôi uống rượu cả ngày. Nhưng nay tôi chỉ uống nước trắng.
-         Họ muốn đưa CPNC ra khỏi chương trình dạy học, anh thấy nên hay không nên?
-         Chị vặn tôi quá. Nam Cao khi viết tác phẩm này có nghĩ đến chuyện dạy như bây giờ đâu. Ông đơn giản là phê phán hiện thực vì sự bất công mà ông thấy thôi.
-         Ý anh nói là người dạy chưa hiểu hết ý đồ của Nam Cao?
-         Không, họ đục khoét quá sâu vào hiện thực đó bằng sự cảm nhận riêng của người không sống thời đó. Họ tự bôi nhọ lịch sử.
-         Tôi chưa hiểu ý anh?
-         Thế tôi hỏi chị: bây giờ chị thấy hình ảnh những đứa trẻ lấm lem bùn đất đi bắt cá ngoài đồng, ven bờ sông, hay ngủ lăn lóc bên luống rau thì chị có thương xót không?
-         Đương nhiên là có, và không chỉ riêng tôi, hàng triệu cư dân mạng sẵn sàng thương xót và thể hiện bằng từ ngữ.
-         Không phải, những đứa trẻ ấy đang rất hạnh phúc. Chỉ có những người đi thương xót người đang hạnh phúc là cần phải xem lại.
-         Anh nói khó hiểu quá. Thế có nghĩa là chúng tôi phải ghen vì sao không được như những đứa trẻ ấy?
-         Không, mỗi người, mỗi thời có một hoàn cảnh khác nhau. Cho nên CPNC cũng như những người khác thời đó, có lúc hạnh phúc, có lúc phải xem lại.
-         Có nghĩa là CPNC là một con người chung chung của một giai đoạn lịch sử?
-         Ấy, chị hiểu rồi đấy. Lịch sử xã hội như một chuỗi xích, và gian đoạn 1930-1945 chỉ là một mắt xích bị rỉ sét trong đó. Nếu cắt bỏ cho chuỗi xích sáng bóng hơn thì nó sẽ đứt rời hết cả.
-         Tôi đã hiểu ý anh. Vậy có nghĩa là chỉ cần cọ cho mắt xích sáng lên chứ không bỏ đi.
-         Trước đây nó vẫn sáng, nhưng đã lâu người ta không quan tâm nó, vứt giữa nắng mưa nên nó bị ôxy hóa mà ra vậy. Đó là lỗi của thế hệ nay.
-         Tôi còn câu hỏi nữa: vậy làm thế nào để cọ sạch …
-         Ông Chí Phèo đâu rồi, ông đi đâu từ sáng đến giờ mà nhà chưa quét, cơm chưa nấu, ông lại la cà chém gió với mấy cháu trí thức hàng xóm rồi phải… không? Ông không để cho người ta nghiên cứu, học hành. Ông cứ con cà, con kê chuyện này chuyện khác với bọn trẻ thì hỏng hết, hỏng hết chúng nó. Ông biết không? Ông về ngay, v..ề ng..a..y!
-         Đấy, mụ Thị Nở đi chợ bán chuối vườn đã về rồi đấy. Tôi chuồn đây, hẹn cô hôm khác nói tiếp nếu cô còn muốn nghe. Chào cô.

-         Cảm ơn anh!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét