KỸ NĂNG SỐNG - CHÌA KHÓA CHỐNG THẤT NGHIỆP
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/184244/570-000-si-tu-vao-thi--162-000-cu-nhan-that-nghiep.html
"Sáng 4/7, hơn 570.000 thí sinh bước vào thi môn toán, đợt đầu tiên của kỳ thi đại học năm 2014, cạnh tranh khốc liệt chỗ ngồi trên giảng đường. Trong khi đó, ngày 1/7, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội vừa công bố tình trạng lao động việc làm, với các con số thất nghiệp ngày càng tăng, đặc biệt có hơn 162.000 lao động từ trình độ đại học trở lên không có việc làm; còn trình độ cao đẳng là hơn 79.000."
Những con số này cho chúng ta thấy điều gì, hay đó là một sự đe dọa nhằm vào lớp trẻ?
Nhìn lại chặng đường phát triển của giáo dục suôt gần 40 năm qua. Bắt đầu thế hệ cải cách đầu tiên là năm 1975, có thể thấy nền giáo dục Việt Nam đã trải qua bao nhiêu thăng trầm, hy vọng trong vô vọng. Như GS Hoàng Tụy đã phải cay đắng thốt lên: Giáo dục chúng ta không phải đi lệch đường mà là sai đường. Tại sao càng ngày càng có nhiều người tốt nghiệp đại học, đất nước phát triển liên tục(theo báo cáo của các cơ quan thống kê hàng năm), mà lại rơi vào cảnh thất nghiệp đến vậy. Mỗi cá nhân đều chỉ ra được kết quả của vấn đề, tức là nhìn thấy cái hiện hữu. Vậy nguyên nhân do đâu?
Tôi nhớ cách đây hai mươi năm về trước, những sinh viên hào hứng khi được lên dường đi thực tập xa đến mọi miền Tổ quốc, không phải đi theo tiếng gọi của lý tưởng, mà chỉ đơn giản là họ muốn đi để khám phá những miền đất xa lạ, biết thêm những con người mà họ chỉ mới nghe qua những câu chuyện thật giả đâu đó. Hành trang lên đường của họ chỉ đơn giản hai bộ quần áo, rồi mua vé hoặc trốn vé(nếu có thể để tiết kiệm mà thôi), đến nơi, lăn xả vào thực tập không kể thời gian, ăn ngủ không thành vấn đề, bất kỳ chỗ nào cũng là thiên đường nghỉ ngơi của lứa tuổi dạt dào nông nổi. Sau một tháng rưỡi trở về, ngoài những kiến thức chuyên môn thực tế, những sinh viên biết thêm nhiều người bạn mới, nhiều nơi sẽ cần đến họ sau khi ra trường. Họ biết thêm nhiều món nghề trong đời sẵn sàng mang đến cho họ cuộc sống sau này mà trường đại học không đề cập đến.
Vậy còn ngày nay thì sao? Không thể không trách gánh nặng học tập lý thuyết trong trường. Nhưng cũng phải thẳng thắn công nhận rằng nhiều sinh viên thờ ơ với sự rèn luyện gian khó, chấp nhận rủi ro cuộc sống để sẵn sàng đi đến những nơi xa lạ. Với họ, co mình trong sự an toàn của vỏ bọc mong manh tốt hơn là phá vỏ chui ra để tung cánh bay vào bầu trời xanh bao la, đối đầu với phong ba bão tố cuộc đời. Hay nói cách khác chính thói quen hàng ngày đã làm thui chột những kỹ năng sống nhẹ nhàng có, nặng nề có, thận trọng có, táo bạo có, để con người có thể đi đến bất cứ đâu, nghĩ ra những công việc làm mọi lúc, mọi nơi. Nguyên nhân của giáo dục thụ động chỉ là một phần, cái chính là sự nỗ lực quyết tâm vượt qua chính mình, hay là kỹ năng tồn tại, đã bị các bạn đẩy vào góc sâu nhất của tư duy, của hành động. Thậm chí có nhiều người cất kỹ vào nới mà ánh sáng chẳng bao gời rọi tới để có thể tìm thấy.
Xã hội phát triển là do có con người lao động. Công việc không phải do xã hội mang lại mà do chính con người tạo ra. Cơ chế quản lý không trói buộc con người. Nếu là cơ chế tốt, nó sẽ khuyến khích, hỗ trợ thêm cho sự sáng tạo ra công việc và hiệu quả tốt hơn. Nếu là cơ chế kém, nó chỉ gây phiền nhiễu cho công việc của con người thực tại, nhưng may mắn thay là Thượng đế đã ban cho chúng ta một khả năng thích nghi và kỹ năng tồn tại trong mọi điều kiện khó khăn nhất. Tại sao chúng ta không sử dụng nó? Đó chính là chìa khóa để mở cánh cửa vào thế giới của việc làm mang đến cho chúng ta và mọi người.
Tôi và các bạn có dám mở ngay bây giờ không?
14-10-2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét