Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

“Đừng yêu nước bằng máu của người khác!”


Sưu tầm từ baochi.edu.vn


Hiện nay, nhiều bạn trẻ đang hình thành thói quen lên các diễn đàn mạng, blog, mạng xã hội… phát biểu những lời “to tát”, đại ngôn, hô hào “suông” về lòng yêu nước mà quên đi những hành động thực tế…
Đã bao giờ bạn tự nhìn lại: Bạn đã hành động những gì để thể hiện lòng yêu nước? “Đừng yêu nước bằng máu của người khác” là một trong những bài viết gây nhiều tiếng vang nhất trên các diễn đàn internet những ngày vừa qua.
Bài viết của tác giả Bảo Anh Thái đã nêu ra một góc nhìn khác về việc thể hiện lòng yêu nước, khiến chúng ta không thể không suy ngẫm.
BCTT xin đăng tải bài viết để bạn trả lời câu hỏi: Bạn đã hành động thực tế để thể hiện lòng yêu nước của mình như thế nào?

Lòng yêu nước đôi khi chỉ cần thể hiện bằng niềm tự hào và những việc làm giản dị
“Ông ngoại tôi từng cầm mác búp đa, lưng dắt lựu đạn, cắt rào kẽm gai công đồn Pháp cùng với những người lính Nhật Bản tình nguyện theo Việt Minh thời chín năm. Chiến thuật của đơn vị ông rất đơn giản: Cắt rào, ném lựu đạn vô lô cốt và xung phong vào đánh giáp lá cà khi quân Pháp còn chưa hết choáng váng vì tiếng nổ. Ông tôi không kể về những tổn thất của đơn vị.
Khi tôi hỏi ông tôi là trong đơn vị có bao nhiêu lính Nhật, và sau chín năm, bao nhiêu người trong số họ trở về tổ quốc. Ông trả lời “Có chín người, sau chín năm, chẳng có ai trong họ còn sống”. Tôi không biết ngoài chín người Nhật đó, bao nhiêu người khác trong đơn vị ông đã chết.
Tôi hỏi ông: “Đơn vị ông không phải là đặc công (mà thực ra trong thời chín năm, khái niệm đặc công chưa có), sao các ông không dùng bazoka hoặc ít nhất là súng máy áp chế khi công đồn?”
Ông trả lời rất đơn giản là đơn vị ông không có bất kỳ vũ khí hỏa lực mạnh nào. Họ chỉ có 3 súng trường cho một tiểu đội và những người Nhật Bản tình nguyện chỉ dùng kiếm Samurai của họ.
Thời kháng Mỹ, ông tôi động viên con cái đi ra trận. Hai dì tôi đi thanh niên xung phong khi mười sáu tuổi. Sau chiến dịch Đường 9 Nam Lào và Quảng Trị, lần lượt 2 dì về nhà vì mất sức. Cả hai dì đều trọc đầu như sư đến nhiều năm sau tóc mới mọc lại.
Bác tôi, học ở Nga về làm cán bộ giảng dạy Bách Khoa nhưng rồi lại tình nguyện nhập ngũ. Tây Nguyên, Đường 9, Quảng Trị – giấy chứng nhận dũng sỹ diệt Mỹ và dũng sỹ diệt xe cơ giới gấp phồng túi ngực (theo đúng nghĩa đen).
Khi từ miền Bắc vào Nam, bác tôi mang theo 90 viên đạn của cây súng bắn tỉa. Khi giải ngũ, bác đã bắn 52 viên, trong đó 4 viên trượt. Bác tôi và người em kết nghĩa đã bỏ cả ngày trời bò qua cả một cái trảng lớn nằm giữa vùng ranh giới giữa hai bên để bắn một phát đạn với tầm gần 900 m làm bị thương viên tướng chỉ huy một sư đoàn quân đội Sài Gòn trong cuộc họp bộ tham mưu của sư này hồi Quảng Trị năm 1972.
Bác tôi là một trong 16 người cuối cùng rời thành Quảng Trị bơi vượt sông Thạch Hãn và tên của bác tôi có trong viện Bảo tàng Quân đội. Những người chỉ huy trận Quảng Trị nay đang lãnh đạo Bộ Quốc phòng đều nhớ đến bác tôi.
Ông ngoại tôi giờ đã 94 tuổi, bác và các dì tôi đều đã về hưu.
Không một ai đại ngôn về lòng yêu nước.
Thậm chí, tôi chưa bao giờ nghe từ đó trong các câu chuyện của họ.
Đơn giản là họ làm những điều đó.
Khi tôi kể cho bác tôi về một cuốn nhật ký nổi tiếng của một người lính trẻ tuổi hai mươi và ngỏ ý muốn mua một cuốn tặng bác. Bác tôi từ chối và nói với tôi rằng: “Con ạ, nếu mỗi người lính khi ra trận, thay vì viết mà chỉ cần bắn bị thương một kẻ thù thôi, thì miền Nam có thể giải phóng rất lâu trước 1975″.
Khi tôi kể cho bác về những chuyện gần đây trên Biển Đông, bác lẩm nhẩm tính rồi nói “Ác liệt như hồi 72 mà người ta mới vét đến cán bộ tuổi 35. Giờ, nếu không phải đánh lớn trên bộ, chắc bọn con (tôi và các anh con bác) không bị động viên đâu!”
Tôi viết những dòng này vì tôi ngán đến tận cổ những người ngồi trong phòng máy lạnh mà mọi thứ họ viết ra chỉ là chỉ trích. Tôi ngán đến tận cổ việc họ tự cho mình là đang nói lên tiếng nói của một người dân để viết về lòng yêu nước.
Họ chỉ trích, họ mách nước cho Nhà nước làm việc A việc B dù họ biết rằng nếu có nổ súng thì họ sẽ không gửi email gọi con họ bỏ học ở nước ngoài để về nhập ngũ.
Nghĩ đi nghĩ lại, tôi tự hỏi và mãi vẫn không tìm được chỗ nào cho thấy họ đang đại diện cho nhân dân (những người nông dân như ông ngoại tôi, những cán bộ về hưu như bác và các dì tôi) để nói những từ đại ngôn đó.
Những người đại ngôn đó đòi minh bạch về thông tin, đòi nhà nước để cho phải báo cáo này nọ nhưng họ quên mất một điều, hồi chiến tranh, có ngày nào mà nhân dân không nghe đài thống kê về số lượng đạn pháo bắn sang lãnh thộ Việt Nam, ngày nào mà Thông Tấn Xã VN không dịch những bản tin đó sang tiếng Anh cho thế giới biết?
Cả thế giới đều biết, nhưng chỉ có những thanh niên Việt Nam 17-18 phải bỏ trường học mà lên đường giữ nước, và cả nước phải đói ăn đến queo quắt để chiến sỹ tiền duyên có đạn mà bắn.
Nhiều chiến sỹ hải quân đã hy sinh vì tổ quốc – tinh thần yêu nước và hy sinh họ có thừa nhưng họ chưa có đủ vũ khí để chống lại những con tàu lớn.
Những người gác biển không cần những người “đứng” sau lưng bằng những bài viết răn dạy về tình yêu nước trên Facebook.
Những người gác biển cần vũ khí, cần máy bay, cần tên lửa, cần tàu chiến, tàu ngầm. Và những thứ đó chỉ có được khi có tiền.
Nếu có viết, hãy kêu gọi nhà nước phát hành công trái mua vũ khí, và nếu có phát hành, thì hãy mua công trái. Đừng để con em nhân dân đổ máu để cho các bạn lên internet hô hào mình là yêu nước.
Những người nào thích những thứ dân chủ và yêu nước lấp lánh phương Tây, xin hãy đọc lại tác phẩm kinh điển “Gone with the wind” (Cuốn theo chiều gió) để học một cách thực tế hơn về lòng dũng cảm, về tinh thần yêu nước”.
[note]Bạn nghĩ sao về góc nhìn này. Bạn đã thể hiện lòng yêu nước của mình như thế nào? Hãy gửi cho BCTT quan điểm của bạn.[/note]
P.V

4 nhận xét:

  1. Bạn cho mình bài này nhé, để đưa lên facebook cho mọi người cùng đọc...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào bạn vàng. Mình đồng ý cả hai tay đấy. :-). Vui vẻ bạn nhé.

      Xóa
  2. Bài viết này làm mình nhớ lại nhiều lưu học sinh của Việt Nam sang Đông Âu học thời chống Mỹ. Nhiều người đã tìm cách xin ở lại, không về nước. Và những người bạn ĐÔng Âu khi đó, vốn rất kính phục về lòng dũng cảm của người dân Việt Nam, đã phải nói với những lưu học sinh kia: "Nếu bạn không yêu Tổ quốc của bạn thì làm sao yêu được Tổ quốc của tôi"?. Câu nói đó đã khiến cho nhiều người phải suy nghĩ lại sau đó...

    Trả lờiXóa
  3. Ngẫm nghĩ câu này mãi

    Khi tôi kể cho bác tôi về một cuốn nhật ký nổi tiếng của một người lính trẻ tuổi hai mươi và ngỏ ý muốn mua một cuốn tặng bác. Bác tôi từ chối và nói với tôi rằng: “Con ạ, nếu mỗi người lính khi ra trận, thay vì viết mà chỉ cần bắn bị thương một kẻ thù thôi, thì miền Nam có thể giải phóng rất lâu trước 1975″

    Trả lờiXóa